05/09/2024 17:24

Họ hàng phải cách nhau bao nhiêu đời thì mới được kết hôn?

Họ hàng phải cách nhau bao nhiêu đời thì mới được kết hôn?

Họ hàng phải cách nhau bao nhiêu đời thì mới được kết hôn? Kết hôn với họ hàng trong phạm vi 3 đời bị xử lý như thế nào?

1. Họ hàng phải cách nhau bao nhiêu đời thì mới được kết hôn?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. 

Theo đó, tại  khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định những hành vi sau đây là hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Trong đó

- Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau

- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm:  

+ Cha mẹ là đời thứ nhất

+ Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai

+ Anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba

Như vậy, họ hàng phải cách nhau 04 đời thì mới được kết hôn với nhau, trường hợp họ hàng có dòng máu trực hệ trong phạm vi 3 đời kết hôn với nhau sẽ bị nghiêm cấm.

Tuy nhiên, thực tế thì ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật thì khi kết hôn, người Việt Nam còn xem xét, cân nhắc đến các yếu tố như truyền thống gia đình, phong tục tập quán, đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng,...

2. Kết hôn với họ hàng trong phạm vi 3 đời bị xử lý như thế nào?

Theo đó, tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi kết hôn với họ hàng trong phạm vi 3 đời như sau:

Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

Như vậy, nếu kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với họ hàng trong phạm vi 3 đời thì sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

3. Không đăng ký kết hôn nhưng lại chung sống với nhau như vợ chồng có được không?

Căn cứ  tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Hiện nay, việc kết hôn là do tự nguyện của hai bên chứ không có quy định là sống chung thì phải đăng ký kết hôn.

Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm việc nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng lại chung sống với nhau như vợ chồng. Tuy không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng nhưng giữa nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vẫn phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản,...

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
75

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn