24/04/2023 12:01

Hình thức xử lý hành vi bạo lực học đường

Hình thức xử lý hành vi bạo lực học đường

Tôi thấy tình trạng bạo lực học đường hiện nay ngày càng tăng và phức tạp, nó gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy hình thức xử lý tình trạng này như thế nào?_Anh Khoa(Phú Yên)

Chào anh, đối với thắc mắc của anh Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thế nào là bạo lực học đường?

Bạo lực học đường được hiểu là các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại đến thân thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay các hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi; cùng các hành vi cố ý khác gây tổn hại về mặt thể chất và tinh thần của các đối tượng là học sinh sinh viên xảy ra trong phạm vi cơ sở giáo dục hoặc bên ngoài.

- Hiện nay nó có khuynh hướng ngày càng gia tăng, diễn ra ở nhiều nơi, trở thành một vấn nạn của xã hội. Nó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể như:

+ Hình vi đánh nhau giữa học sinh với học sinh với nhau, bạo lực học đường thể hiện qua hành vi dùng vũ lực đe dọa, mang vũ khí đến trường, lập các nhóm đánh nhau, đánh hội đồng, tra tấn, hành hạ... nhằm tác động vật lý lên cơ thể, khiến họ rơi vào tình trạng không thể chống đỡ, gây ra những tổn hại về sức khỏe, tính mạng cho người bị hại.

+ Bạo lực tinh thần: dùng từ ngữ, lời nói xúc phạm, lăng mạ, xỉ nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần, đẩy họ vào chiều hướng suy nghĩ tiêu cực, bất an, sợ hãi. 

+ Bạo lực tình dục: là hành vi quấy rối tình dục, hiếp dâm... mà đối tượng gánh chịu là học sinh, sinh viên. Đây là hành vi ngày càng diễn ra phổ biến và có dấu hiệu gia tăng. Theo đó, học sinh nữ bị xâm hại tình dục tại trường. Đây là một trong những hình thức xấu xa và đáng sợ nhất của bạo lực học đường.

+ Cách hình vi khác...

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường

- Bạo lực học đường xuất phát hình thành từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

+ Do mâu thuẫn cá nhân giữa các học sinh với nhau, bằng nhiều lý do như nhìn đểu, nói móc, tranh giành người yêu,... Sự bồng bột trong suy nghĩ ở độ tuổi đang phát triển, suy nghĩ của các bạn chưa đủ chín chắn, tính hiếu thắng và mong muốn thể hiện cao, không biết tự điều chỉnh cảm xúc để giải quyết mâu thuẫn, mà luôn hướng tới việc “trả thù” bằng việc gây ra những tổn thương về sức khỏe, tinh thần cho đối phương.

+ Do ảnh hưởng tác của môi trường bạo lực, thiếu văn hóa, (xem phim, ảnh, sách, báo, đồ chơi mang tính bạo lực…).

+ Sự giáo dục chưa đúng đắn, thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường, nặng về dạy kiến thức, không chú trọng dạy các kỹ năng sống, đạo đức…Nhà trường chưa đưa ra những biện pháp xử lý kỷ luật khắt khe đối với hành vi vi phạm.

+ Xã hội lạnh lùng, dửng dưng trước những hành vi bạo lực, chưa có những giải pháp thiết thực, đồng nhất, triệt để.

3. Hậu quả của hành vi bạo lực học đường

- Bạo lực học đường gây ra những hậu quả sau:

+ Đối với nạn nhân của bạo lực học đường: Các bạn sẽ bị tổn thương về sức khỏe lẫn tâm lý; luôn hoang mang, sợ hãi, ám ảnh khi đến trường. Điều này khiến sự phát triển cả về thể lực lẫn trí lực của các bạn không được đảm bảo. 

+ Đối với người thực hiện hành vi bạo lực học đường: Bị bạn bè xung quanh xa lánh, cô lập.

+ Đối với công tác giáo dục: Môi trường học đường bị gây rối loạn. Điều này khiến các học sinh khác bị ảnh hưởng, không có nền tảng môi trường học đường toàn diện nhất để học tập, vui chơi và rèn luyện. 

4. Bạo lực học đường sẽ bị xử lý như thế nào?

Bạo lực học đường là hành vi vi phạm những nguyên tắc về đạo đức. Nó gây ra những hệ quả tiêu cực cho nạn nhân cũng như mọi người xung quanh. Do đó, hành vi bạo lực học được có thể bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý dân sự hoặc nặng hơn là xử lý hình sự. 

4.1. Xử lý vi phạm hành chính

- Theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.

- Cũng theo quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thì cá nhân có hành vi bạo lực học đường có thể bị phạt cảnh cáo nếu hành vi đó chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

Như vậy, đối với biện pháp xử phạt hành chính, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường do cố ý, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị xử phạt cảnh cáo. 

3.2. Bồi thường dân sự

- Theo như mục 1, hành vi bạo lực học đường là hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm và sức khỏe tinh thần do đó là cơ sở để áp dụng hình thức xử lý dân sự.

- Theo Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự. Bao gồm các chi phí sau:

 +  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 + Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những chi phí được xác định như sau:

+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.

-  Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

- Nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật dân sự năm 2015).

- Nếu người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3.3 Xử phạt hình sự

- Theo nguyên tắc, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, đối với những học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường khi đã đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:

- Theo khoản 22 Điều 1 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích, Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

+ Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; 

+ Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.

- Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.

+ Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Lưu ý: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi bạo lực học đường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bị hại.

Hứa Lê Huy
23461

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]