04/11/2022 09:03

Hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam

Hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam

“Cho tôi hỏi về hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay. Xin cảm ơn!” _ Khánh Hà (Vĩnh Long)

Chào chị, Ban biên tập gửi đến chị một số thông tin về hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam hiện nay như sau:

1. Viện kiểm sát nhân dân là gì?

Theo quy định tại Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

2. Hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ở Việt Nam

Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc và được đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo và điều hành của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm:

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

- Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).

- Viện kiểm sát quân sự các cấp

2.1 Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

- Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có:

+ Ủy ban kiểm sát;

+ Văn phòng;

+ Cơ quan điều tra;

+ Các cục, vụ, viện và tương đương;

+ Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các cơ quan báo chí và các đơn vị sự nghiệp công lập khác;

+ Viện kiểm sát quân sự trung ương.

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Thủ trưởng, các Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; công chức khác, viên chức và người lao động khác.

2.2 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

(hiện có 3 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh)

- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao.

- Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm có:

+ Ủy ban kiểm sát;

+ Văn phòng;

+ Các viện và tương đương.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

2.3 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh 

- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình

- Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm có:

+ Ủy ban kiểm sát;

+ Văn phòng;

+ Các phòng và tương đương.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

2.4 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện 

- Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình.

- Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm có văn phòng và các phòng; những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

2.5 Viện kiểm sát quân sự

- Các Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong quân đội.

- Viện kiểm sát quân sự ngoài có nhiệm vụ theo nhiệm vụ chung ngành kiểm sát tại khoản 2 Điều 2 của Luật này thì còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng, kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công chức, viên chức và người lao động khác trong quân đội; bảo đảm mọi hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh.

- Viện kiểm sát quân sự các cấp bao gồm:

+ Viện kiểm sát quân sự trung ương.

+ Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương.

+ Viện kiểm sát quân sự khu vực.

2.5.1 Viện kiểm sát quân sự trung ương

- Viện kiểm sát quân sự trung ương thuộc cơ cấu Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm có:

+ Ủy ban kiểm sát;

+ Văn phòng;

+ Cơ quan điều tra;

+ Các phòng và tương đương.

- Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Thủ trưởng, các Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

2.5.2 Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương

- Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương gồm có:

+ Ủy ban kiểm sát;

+ Các ban và bộ máy giúp việc.

- Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

2.5.3 Viện kiểm sát quân sự khu vực

- Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự khu vực gồm có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc.

- Viện kiểm sát quân sự khu vực có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

Căn cứ pháp lý: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014

Nguyễn Sáng
29770

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]