14/10/2019 08:46

Hậu quả pháp lý của việc ký tên người khác khi giao dịch

Hậu quả pháp lý của việc ký tên người khác khi giao dịch

Ngày nay, khi thấy được tính thiết yếu của pháp luật, các giao dịch dân sự được xác lập qua hợp đồng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, có thể do thiếu hiểu biết hoặc nhằm mục đích giúp đỡ người thân, không vì vụ lợi mà nhiều người lại đi ký thay tên của chủ thể trong giao dịch. Liệu việc này có phù hợp với quy định của pháp luật?

Điển hình tại bản án 06/2018/DS-ST ngày 25/01/2018 của Tòa án nhân dân thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm về vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Hoài T và bị đơn bà Nguyễn Thanh Th. Cụ thể:

" Ngày 21/4/2017, bà Nguyễn Thị Hoài T và bà Nguyễn Thị Hồng N ký hợp đồng đặt cọc với nội dung bà T đặt cọc số tiền 70.000.000 đồng (Bảy mươi triệu đồng) nhằm bảo đảm cho việc chuyển nhượng diện tích đất 760,9 m2 tại tỉnh Bình Dương. Giá chuyển nhượng là 1.750.000.000 (Một tỷ bảy trăm năm mươi triệu đồng). Khi ký hợp đồng đặt cọc, bà T đã giao cho bà N số tiền là 70.000.000 đồng (Bảy mươi triệu đồng).

Tuy nhiên, vào ngày 21/4/2017 thì bà N bị bệnh, không đến ký hợp đồng với bà T được nên bà Nguyễn Thanh Th là em ruột của bà N ký tên thay cho bà N vào hợp đồng đặt cọc với bà T. Bà Th ký chữ ký “N”, chữ viết “Nguyễn Thị Hồng N” và dấu vân tay trong hợp đồng đặt cọc đều là bà Th ký, viết và lăn tay. Bà Th đã nhận 70.000.000 đồng tiền đặt cọc của bà T và bà không đưa lại cho bà N mà sử dụng hết vào việc chữa bệnh. Việc này bà N có biết" .

Tòa án nhân dân thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, cho rằng Hợp đồng đặt cọc ngày 21/4/2017 giữa bà Nguyễn Thị Hoài T và bà Nguyễn Thị Hồng N không có hiệu lực pháp luật do không đúng chủ thể ký kết. Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Hợp đồng đặt cọc ngày 21/4/2017 giữa bà Nguyễn Thị Hoài T và bà Nguyễn Thị Hồng N bị vô hiệu.

Đối chiếu với quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

“ 1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”

Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

Có thể thấy rằng, nội dung hợp đồng đặt cọc là hợp đồng được ký kết giữa bà Nguyễn Thị Hồng N và bà Nguyễn Thị H T, trong hợp đồng đặt cọc không có chủ thể là bà Th đứng tên trong hợp đồng. Vì vậy, mặc dù bà N đã biết việc bà T đã đặt cọc và bà Th đã nhận tiền cọc, nhưng việc bà Th ký tên “N”, chữ viết “Nguyễn Thị Hồng N”, lăn tay đã vi phạm điều kiện về chủ thể giao kết. Bà Th không phải là chủ thể giao kết trong hợp đồng. Bà Th phải trả cho bà T số tiền 70.000.000 đồng như bản án đã tuyên là phù hợp.

Hiện nay không có quy định chung về hợp đồng đặt cọc hay giấy đặt cọc. Đặt cọc là biện pháp để đảm bảo thực hiện giao kết hợp đồng nên thường được ký trước khi giao kết hợp đồng chính. Hợp đồng đặt cọc hay giấy đặt cọc cũng là một giao dịch dân sự. Vì vậy, nó chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự về chủ thể ký kết, về nội dung và hình thức hợp đồng.

Thu Linh
3454

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn