20/05/2019 07:36

Hậu quả của việc cho vay tiền không làm giấy tờ và những điều cần lưu ý

Hậu quả của việc cho vay tiền không làm giấy tờ và những điều cần lưu ý

Vay mượn tiền giữa những người quen là một giao dịch phổ biến trong cuộc sống, chính vì sự quen biết nên những giao dịch này thường không có giấy tờ thể hiện việc vay mượn giữa hai người; đa phần dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã chây ỳ, trốn thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc xảy ra tranh chấp với số tiền nợ.

Bản án 201/2018/DS-PT ngày 12/12/2018 về tranh chấp đòi tài sản là một minh chứng tiêu biểu cho việc đó.

“H1 và H2 là bạn bè của nhau và chính vì điều này nên H1 đã cho H2 mượn tiền mà không lập bất kỳ hợp đồng nào, đồng thời giữa hai người cũng không có viết giấy vay nợ, không có người làm chứng cho việc vay nợ. Sau đó H2 không trả nợ, H1 đã khởi kiện H2 để đòi số tiền cho vay. Theo lời trình bày của H1 thì số tiền H1 cho H2 vay được chia làm hai lần: một lần 13 triệu đồng và lần còn lại là 32 triệu đồng. Tuy nhiên có lẽ vì không có gì có thể chứng minh được đối với số tiền 13 triệu đồng nên sau đó H1 đã rút lại phần tiền đó và chỉ khởi kiện đòi 32 triệu đồng”.

Tòa án đã căn cứ Điều 166, Điều 463, Điều 466 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tạ Minh H1. Buộc bà Nguyễn Kim H2 trả cho bà Tạ Minh H1 tổng số tiền 33 triệu đồng.

Chuyện này xảy ra rất thường xuyên trong cuộc sống. Đây là một thiếu xót lớn khi cho người khác mượn tiền mà không có gì để làm bằng chứng. Trong trường hợp này, bị đơn còn nhận là mình đã mượn số tiền 32 triệu đồng, sẽ xảy ra điều gì nếu như bị đơn không thừa nhận đã mượn số tiền đó? Khi đó, có lẽ Tòa án cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lời nói của ai là thật và khả năng mất luôn số tiền kia rất lớn.

Việc cho người thân người quen vay tiền là xuất phát từ sự tin tưởng lẫn nhau nên tâm lý của chúng ta sẽ “ngại” lập hợp đồng vì cho rằng lập hợp đồng thì khác nào không tin tưởng nhau. Tuy nhiên nếu việc vay – trả diễn ra thuận lợi thì không có gì để bàn, nhưng nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ không có gì để chứng minh, điều này gây ra một số khó khăn nhất định cho cả người cho vay và người vay. Vì không có giấy tờ gì cả nên đôi khi số tiền hai bên đưa ra không giống nhau, hoặc một bên vì lợi dụng việc đó nên tranh thủ cơ hội chuộc lợi, khai số tiền cao hơn số thực – bên cho vay hoặc thấp hơn số tiền thực – bên vay.

Theo Điều 70, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 một trong những nghĩa vụ của đương sự là cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để tránh trường hợp xảy ra như bên trên, khi cho người khác vay tiền (kể cả người thân) việc tốt nhất nên làm là lập một hợp đồng vay tài sản hoặc một giấy vay tiền. Khi xảy ra tranh chấp cần khởi kiện thì đây sẽ là nguồn chứng cứ quan trọng chúng ta có thể đưa cho Tòa.

Theo quy định tại điều 463 của Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Nội dung của hợp đồng vay tiền có thể bao bao gồm các điều khoản sau đây:

+ Thông tin cơ bản của các bên tham gia hợp đồng vay tài sản (tiền )

+ Số tiền vay

+ Thời hạn vay

+ Mục đích vay

+ Lãi suất vay trong hợp đồng vay tiền

+ Các biện pháp đảm bảo hợp đồng vay tiền (nếu có)

+ Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay

+ Quyền và nghĩa vụ của bên vay

+ Các trường hợp vi phạm hợp đồng và trách nhiệm của các bên

……..

Nội dung của giấy vay tiền có thể đơn giản hơn nhưng cũng phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản như thông tin, số tiền vay, thời gian trả và mức lãi suất…

Tóm lại, điều kiện tiên quyết cần phải nhớ khi cho người khác vay tiền dù là người thân thì cũng cần phải có một hợp đồng vay hoặc một giấy vay tiền để quyền lợi của cả hai bên được đảm bảo.

Đức Phong
7836

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn