01/11/2023 15:27

Hầu đồng: Tập tục tâm linh hay mê tín dị đoan trái pháp luật?

Hầu đồng: Tập tục tâm linh hay mê tín dị đoan trái pháp luật?

Hầu đồng là gì? Hầu đồng tại Việt Nam có được công nhận hay mê tín dị đoan trái pháp luật? Thùy Linh – Nghệ An.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Hầu đồng là gì? Tập tục tâm linh hay mê tín dị đoan trái pháp luật?

Hầu đồng là một nghi lễ thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Đức Thánh Trần… Người ta tin rằng khi các vị thần linh nhập thân xác các tín đồ Shaman (đồng nam, nữ) sẽ có thể trừ tà, chữa bệnh và ban điều phước lành.

Hầu đồng là một nghi lễ có lịch sử lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Nghi lễ này được thực hiện trong một không gian đặc biệt, gọi là nhà đồng, với sự tham gia của các thành phần chính như:

- Đồng: là những người có căn đồng, số lính, được các vị thánh chọn lựa để trở thành người trung gian giữa con người và thần linh.

- Cung văn: là những người hát văn, kể chuyện về các vị thánh.

- Đàn: là những người chơi nhạc cụ dân gian, tạo nên không khí linh thiêng cho nghi lễ.

Năm 2016, tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, UNESCO đã công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

UNESCO đánh giá cao tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt là một di sản văn hóa đặc sắc, thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần hòa hợp, sự sáng tạo văn hóa của người Việt. Tín ngưỡng này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tại khoản 1 Điều 9 Luật di sản văn hóa 2001 sửa đổi, bổ sung 2009 về di sản văn hóa phi vật thể như sau:

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Như vậy, hầu đồng là một hoạt động tín ngưỡng hợp pháp, được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, hầu đồng phải tuân thủ một số điều kiện để thực hiện nghi lễ như:

+ Chỉ được tổ chức hầu đồng tại các cơ sở tín ngưỡng, di tích thờ Mẫu.

+ Không được lợi dụng hầu đồng để trục lợi, kiếm tiền.

+ Không được tuyên truyền những thông tin sai trái, mê tín dị đoan.

Những quy định này nhằm đảm bảo cho hầu đồng được thực hiện đúng bản chất và ý nghĩa của nó, tránh bị lợi dụng cho những mục đích xấu.

2. Hình thức xử phạt thực hiện nghi lễ hầu đồng để trục lợi, mê tín dị đoan

Hầu đồng là văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt nhưng lợi dụng hầu đồng để hành nghề mê tín dị đoan thì có thể bị xử phạt hành chính và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt vi phạm hành chính thực hiện nghi lễ hầu đồng để trục lợi

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định tổ chức lễ hội như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;

+ Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: Đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;

+ Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;

+ Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi, tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Đồng thời, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng: Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan. (điểm c khoản 6 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP)

Truy cứu trách nhiệm hình sự thực hiện hành nghề mê tín, dị đoan

Theo quy định tại Điều 320 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:

- Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Làm chết người;

+ Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, hành vi hầu đồng, lên đồng (mê tín dị đoan) ngoài chịu xử phạt hành chính còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù 10 năm và phạt tiền đến 50.000.000 đồng.

 Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
25674

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]