28/09/2022 15:10

Hành vi xâm phạm đến người đã chết bị xử lý như thế nào?

Hành vi xâm phạm đến người đã chết bị xử lý như thế nào?

Tôi có hay nghe đến các vụ việc đào trộm mộ, khai quật thi thể người chết để lấy trộm đồ đạc, tài sản. Vậy cho tôi hỏi hành vi như vậy sẽ bị xử lý như thế nào? (Phú Quý – Bình Phước)

Chào anh, Thư Viện Bản Án xin được giải đáp câu hỏi của anh như sau:

Ở Việt Nam, mồ mả, thi thể của người đã khuất cũng được pháp luật bảo vệ vì nó thể hiện văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của người dân. Do đó pháp luật đương nhiên có những biện pháp chế tài đối với hành vi cố ý xâm phạm đến thi thể, mồ mả.

Hành vi xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015

 “1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.”

Phân tích cấu thành tội phạm:

Xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt được xác định là những hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt.

- Chủ thể của tội phạm: Người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 BLHS.

- Khách thể của tội phạm: Tội danh này xâm phạm đến trật tự, an toàn đối với thi thể, phần mộ và hài cốt của người chết; qua đó xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

- Mặt chủ quan: người phạm tội với lỗi cố ý, có thể xuất phát từ những động cơ, mục đích khác nhau như vụ lợi, trả thù cá nhân, mê tín, dị đoan…

- Mặt khách quan: người phạm tội thực hiện một trong các hành vi:

 + Đào, phá mồ mả: huỷ hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mà không còn nguyên vẹn như trước.

 + Chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ.

 + Hành vi khác xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt

Như vậy, người nào thực hiện hành vi xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với 02 khung hình phạt:

- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với các hành vi: đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

- Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:

 + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 + Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

 + Vì động cơ đê hèn;

 + Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt

Ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

- Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể (Điều 606 Bộ luật Dân sự 2015):

Cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.

Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

Ngoài việc bồi thường các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, người chịu trách nhiệm bồi thường khi thi thể bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

- Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả (Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015):

Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

Ngoài các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tóm lại, người nào xâm phạm đến thi thể người đã chết, hài cốt, mồ mả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 07 năm tù tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi. Ngoài ra, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại, bao gồm các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và bồi thường tổn thất tinh thần cho người thân thích của người đã chết theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Phương Uyên
1790

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn