09/01/2024 07:47

Hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc trên TikTok bị xử lý như thế nào?

Hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc trên TikTok bị xử lý như thế nào?

Gần đây tôi có xem qua thông tin về việc TikTok có nhiều vi phạm khi hoạt động tại Việt Nam, trong đó có những bài viết nói về việc xâm phạm bản quyền âm nhạc trên nền tảng này. Mong Ban biên tập có thể làm rõ vụ việc trên. Bạn Ngân Hà (Long An).

Chào bạn, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

Hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc trên TikTok bị xử lý như thế nào?

TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội được ra mắt vào năm 2017. Với sức hút mạnh mẽ của mình, ngày nay TikTok đã trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhấ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tính năng dễ gây "nghiện" nhất của TikTok đó chinh là việc kết hợp những đoạn video ngắn được chỉnh sửa và kết hợp thêm vào đoạn nhạc bắt tai để trở nên Viral, thu hút hàng triệu lượt "thả tim" của người dùng.

Song, đi cùng những thành công của TikTok chính là bị vướng vào những vụ kiện tụng, một trong số đó là việc xâm phạm bản quyền âm nhạc đối với những công ty, hay người nắm giữ bản quyên tác phẩm.

Theo quy định tại Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) thì những hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:

+ Xâm phạm quyền nhân thân;

+ Xâm phạm quyền tài sản;

+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022);

.+ Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả;

+ Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.;

+ Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.;

+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi Điểm a Khoản 76 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022)

Hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc trên TikTok có thể xâm phạm đến quyền tài sản theo Luật sở hữu trí tuệ, cụ thể:

Việc phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền tác phẩm được xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả.

Trong trường hợp vi phạm, TikTok buộc phải thực hiện các biện pháp dân sự theo Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ 2005, gồm có:

+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

+ Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

+ Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

+ Buộc bồi thường thiệt hại;

+ Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với bản quyền sản phẩm âm nhạc vi phạm với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ

Những hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc trên TikTok có thể xảy ra

Những hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc trên TikTok có thể xảy ra cụ thể như sau:

Một là, sử dụng các bài hát nổi tiếng, các bản remix hoặc các đoạn nhạc từ các bài hát khác nhau mà không có sự cho phép từ chủ sở hữu bản quyền âm nhạc;

Hai là, Remix hoặc chỉnh sửa nhạc mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền âm nhạc.

Nổi tiếng nhất về sự việc tranh chấp bản quyền âm nhạc trên TikTok phải kể đến vụ kiện về việc vi phạm bản quyền âm nhạc giữa Công ty Cổ phần VNG và chủ sở hữu nền tảng video ngắn TikTok trong năm 2020. Phía VNG yêu cầu số tiền bồi thường là 9,5 triệu USD (hơn 221 tỉ đồng), nhưng do không có đủ bằng chứng kết luận hành vi vi phạm nên VNG đã chủ động rút đơn kiện.

Xem thêm nội dung vụ án tranh chấp bản quyền âm nhạc giữa VNG và TikTok: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/vnz-ngay-31-7-2023.pdf

Đỗ Minh Hiếu
867

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn