Qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao nhận được phản ánh của các Tòa án về một số vướng mắc khi giải quyết các vụ việc. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.
Cụ thể, tại Mục 5 Công văn 163/TANDTC-PC 2024 Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến về việc sử dụng Giấy phép lái xe giả để lưu thông và xuất trình khi bị cơ quan công an kiểm tra như sau:
Nguyễn Văn A vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn chết người. Trong quá trình điều tra phát hiện, Nguyễn Văn A dùng giấy phép lái xe hạng B2 giả (Nguyễn Văn A cung cấp thông tin của mình cho đối tượng làm giả) để điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” hay “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức”?
Trường hợp này ngoài việc Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm về quy định tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị cáo còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Như vậy, theo giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao về việc dùng giấy phép lái xe giả (để cung cấp thông tin của mình cho đối tượng làm giả) để điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là bị phạt tù lên đến 07 năm.
Tham khảo tình huống tại Bản án 41/2024/HS-ST do Tòa án nhân dân huyện H, thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm công khai ngày 08/04/2024 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tóm tắt nội dung bản án:
[...]
“Vào tháng 3/2023, Trần Đức P đã liên hệ với một tài khoản Facebook không rõ danh tính để mua giấy phép lái xe hạng C giả. P đã cung cấp hình ảnh căn cước công dân, ảnh thẻ và địa chỉ theo yêu cầu, đồng thời thanh toán 4.000.000 đồng. Một tuần sau, P nhận được giấy phép lái xe hạng C số 82023019xxxx do Sở Giao thông vận tải tỉnh T cấp ngày 06/3/2023 thông qua một người giao hàng không xác định được lai lịch.
Ngày 05/6/2023, P nhận lời thuê lái xe ô tô chở hàng của ông Nguyễn Minh K từ tỉnh T đi cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Đến 07 giờ 40 phút ngày 07/6/2023, khi P điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 63H-003.xx trên đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, thuộc thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện H, thành phố Đà Nẵng thì bị tổ Cảnh sát giao thông kiểm tra.
Qua kiểm tra giấy phép lái xe của P, tổ công tác phát hiện đây là giấy tờ giả và đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoà Vang xử lý. Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Đà Nẵng đã có bản kết luận giám định số 561/KL-KTHS ngày 30/6/2023 xác nhận giấy phép lái xe của P là giả.”
[...]
Từ nội dung bản án trên, có thể thấy bị cáo Trần Đức P là người có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Bị cáo nhận thức được việc làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả không do cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền cấp là vi phạm pháp luật nhưng để lừa dối cơ quan chức năng bị cáo vẫn cố ý thực hiện.
Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra hành chính thì bị cáo P đã xuất trình giấy phép lái xe giả nêu trên để lừa dối, đối phó với cơ quan chức năng. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý giấy tờ, tài liệu, con dấu. Bị cáo sử dụng giấy phép lái xe giả để lừa dối cơ quan chức năng, điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 63H-003.xx là nguồn nguy hiểm cao độ tham gia giao thông nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định.
Quyết định của Tòa án: Tòa án nhân dân huyện H, thành phố Đà Nẵng đã tuyên bố bị cáo Trần Đức P phạm tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và xử phạt Bị cáo Trần Đức P 09 (chín) tháng tù.
Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
...
Như vậy, hành vi của bị cáo Trần Đức P đã đủ các yếu tố cấu thành tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại khoản 1 Điều 341 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện H, thành phố Đà Nẵng đã truy tố, phán quyết của Tòa án nhân dân huyện H, thành phố Đà Nẵng đã đưa ra là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.