30/11/2023 17:37

Hành vi lừa dối khách hàng trong kinh doanh sẽ bị xử phạt thế nào?

Hành vi lừa dối khách hàng trong kinh doanh sẽ bị xử phạt thế nào?

Tôi đọc báo thì thấy Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch LDG về tội “Lừa dối khách hàng”. Tôi muốn hỏi hành vi lừa dối khách hàng trong kinh doanh bất động sản sẽ bị xử phạt thế nào? "Hà Đức-Thái Nguyên"

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cấu thành tội phạm "Lừa dối khách hàng" theo quy định Bộ luật hình sự

Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính.

Cấu thành tội phạm "Lừa dối khách hàng"  như sau:

Về khách thể của tội phạm:

+ Tội lừa dối khách hàng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là xâm phạm vào quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, uy tín của các doanh nghiệp.

+ Đối tượng tác động của tội lừa dối khách hàng là hoạt động đúng đắn bình thường của các cá nhân kinh doanh hoặc các doanh nghiệp.

Về mặt khách quan của tội phạm:

- Hành vi:

Tội phạm được thể hiện thông qua hành vi gian dối trong bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ nhằm thu lời bất chính.

Các thủ đoạn thường thực hiện:

+ Cân, đong, đo, đếm sai trong quá trình giao hàng hóa.

+ Cố ý tính tiền sai trong khi thanh toán, trong vay mượn.

+ Giao hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt.

+ Thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính

Trong kinh doanh bất động sản, bảo hiểm,...hành vi lừa dối khách hàng thể hiện ở việc giao hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo tính năng, quyền lợi, giấy tờ pháp lý, điều kiện sở hữu, sử dụng như cam kết của các bên khi mua bán hoặc theo quy định của pháp luật. Bên bán cố tình che giấu, cung cấp không đầy đủ thông tin hàng hóa, tính toán khối lượng, giá trị không đúng thực tế khiến cho bên mua không thể thực hiện đầy đủ quyền sở hữu, sử dụng của mình hoặc không thể sử dụng các dịch vụ theo như tính năng cam kết… 

Tội phạm được coi là hoàn thành nếu gây hậu quả thiệt hại cho khách hàng từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Hậu quả:

+ Là những thiệt hại gây ra cho trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, đến uy tín của các cá nhân kinh doanh hoặc các doanh nghiệp.

- Biểu hiện cụ thể hậu quả của tội phạm rất đa dạng, có thể là làm cho khách hàng bị thiệt hại về những lợi ích vật chất, tiền bạc…

Về mặt chủ quan của tội phạm: 

- Lỗi: Người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi lừa dối khách hàng, thấy trước được hậu quả của hành vi của mình gây ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

- Mục đích: thu lợi bất chính từ hoạt động lừa dối khách hàng. Biểu hiện của mục đích thu lợi là người phạm tội dùng những thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi nhằm tránh sự phát hiện của khách hàng.

Về chủ thể của tội phạm: 

- Là người từ đủ 16 tuổ trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Là người có quyền hạn nhất định như: nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên làm dịch vụ sửa chữa hoặc người bán hàng, kinh doanh tự do.

2. Khung hình phạt đối với tội Lừa dối khách hàng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người có hành vi lừa dối khách hàng nếu đủ các yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định thì bị xư phạt hình sự như sau: 

- Khung cơ bản: Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

- Khung 2: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

- Hình phạt bổ sung: Có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện này thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân lừa dối khách hàng trong kinh doanh mà không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân.

Ngoài ra, nếu hành vi lừa dối khách hàng chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định trên thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt hành chính ở mức thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là đến 20.000.000 đồng cho hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng.

Đồng thời người vi phạm còn bị phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và buộc có biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
6081

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]