17/05/2023 09:40

Hành vi “livestream” phim chiếu rạp có xâm phạm quyền tác giả?

 Hành vi “livestream” phim chiếu rạp có xâm phạm quyền tác giả?

Tôi thấy nhiều người xem phim chiếu rạp mà livestream vậy có xâm phạm quyền tác giả? Nếu có thì bị xử lý thế nào?Mong Ban biên tập giúp tôi!_Quang Linh(Đà Nẵng)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quyền tác giả là gì?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019, quy định quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Trong đó, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.(Khoản 1 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019).

Theo Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019 quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Như vậy, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu. Mọi tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

2. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019, quy định cụ thể như sau:

- Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

+ Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

+ Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

+ Tác phẩm báo chí;

+ Tác phẩm âm nhạc;

+ Tác phẩm sân khấu;

+ Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

+ Tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng; (Được sửa đổi tại khoản 82 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) 

+ Tác phẩm nhiếp ảnh;

+ Tác phẩm kiến trúc;

+ Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

+ Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

+ Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

-  Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định theo khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019 nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

- Các tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019 phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

3. Hành vi livestream phim chiếu rạp mà không có sự cho phép của nhà sản xuất phim bị xử lý thế nào?

Có rất nhiều hành vi bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019, có thể liệt kê một số hành vi phổ biến như chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; mạo danh tác giả; công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả,…

Đối với hành vi “livestream” phim chiếu rạp mà không có sự cho phép của nhà sản xuất phim là hành vi xâm phạm quyền tác giả, cụ thể vi phạm khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019 về hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Nếu livestream phim chiếu rạp sau đó phát tán trên kênh Facebook hoặc các kênh khác còn vi phạm khoản 3 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2019  về hành vi công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

Những hành vi xâm phạm bản quyền tác giả sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP như sau:

- Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi “livestream” phim chiếu rạp không có sự cho phép của nhà sản xuất phim.

- Ngoài hình thức phạt tiền còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao bộ phim dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

- Nếu hành vi “livestream” có mục đích thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà sản xuất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hứa Lê Huy
925

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn