21/03/2024 17:56

Hành vi “chặt chém” khách du lịch có vi phạm pháp luật không?

Hành vi “chặt chém” khách du lịch có vi phạm pháp luật không?

Khi gia đình tôi đi du lịch, thì luôn bị “chặt chém” khi mua hàng. Vậy hành vi “chặt chém” khách du lịch có vi phạm pháp luật hay không? (Anh An-Bạc Liêu)

“Chặt chém” chính là việc người bán hàng, cung cấp dịch vụ lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tình hình giá cả của Việt Nam của du khách để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ lên cao đột ngột so với giá quy định nhằm mục đích trục lợi, bất chấp hình ảnh của đất nước, đây là hành vi lợi dụng khách du lịch từ nơi khác đến để chèn ép, nâng giá một cách bất hợp lý.  Hành vi "chặt chém" khách du lịch là vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay. Cùng tìm hiểu về hành vi này qua bài viết bên dưới.

1. “Chặt chém” khách du lịch có vi phạm pháp luật không?

Các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải  thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức khác nhau để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.(Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP)

Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

+ Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;

+ Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Khoản 5 Điều này.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, hành vi “chặt chém” khách du lịch là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào từng hành vi mà mức phạt có thể dao động từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

2. Khách du lịch phải báo cho cơ quan nào khi bị “Chặt chém”?

Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Nghị định 45/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 9 Điều 1 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch thì khi xảy ra tình trạng bị chặt chém khi đi du lịch, khách hàngcó thể liên hệ trình báo vụ việc với một trong các chủ thể sau:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã,

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện,

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,

+ Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

+ Quản lý thị trường.

Trân trọng!

Phạm Thị Thu Hà
1413

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]