04/09/2024 15:19

Hành hạ, ngược đãi trẻ sơ sinh: Pháp luật quy định thế nào về hành vi này?

Hành hạ, ngược đãi trẻ sơ sinh: Pháp luật quy định thế nào về hành vi này?

Pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ sơ sinh? Ngược đãi trẻ sơ sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh nào?

1. Như thế nào là bạo lực trẻ em?

Trẻ em là người dưới 16 tuổi và có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

Tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 đã quy định rằng: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Đồng thời, khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 đã định nghĩa về hành vi bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Cũng tại Điều 6 Luật trẻ em 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm với trẻ em như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

...

Theo đó, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực trẻ em. Việc bạo hành trẻ em sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển tâm sinh lý và gây tổn thương đến thân thể, tinh thần ở trẻ.

2. Hành hạ, ngược đãi trẻ sơ sinh bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Nếu có hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ sơ sinh thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi bạo hành trẻ sơ sinh , người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh sau đây:

(1) Tội hành hạ người khác (khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017):

- Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên.

(2) Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (điểm a khoản 2 Điều 185 Bộ luật hình sự 2015):

- Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

+ Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

(3) Tội cố ý gây thương tích (điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017). Nếu hành hạ, ngược đãi trẻ sơ sinh dẫn đến tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì người vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi này.

(4) Tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự 2015); tội giết người (điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015). Theo đó, nếu có hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ sơ sinh dẫn đến trẻ bị thiệt mạng thì sẽ bị xử lý theo 01 trong 02 tội danh này, tùy vào hành vi bạo lực trẻ sơ sinh là cố ý hay vô ý. Mức hình phạt cao nhất có thể dẫn đến tử hình nếu việc hành hạ, ngược đãi trẻ sơ sinh nhằm mục đích tước đi mạng sống của trẻ.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
651

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn