24/11/2023 19:04

Hàng hóa nhập khẩu biên độ dưới 2% có áp dụng biện pháp chống bán phá giá?

Hàng hóa nhập khẩu biên độ dưới 2% có áp dụng biện pháp chống bán phá giá?

Tôi muốn hỏi biện pháp chống bán phá giá là gì? Hàng hóa nhập khẩu biên độ dưới 2% có áp dụng biện pháp chống bán phá giá không?_Anh Tú(Hà Nội)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Biện pháp chống bán phá giá là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý thương mại 2017 thì biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp chống bán phá giá) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Các biện pháp chống bán phá giá

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 77 Luật Quản lý thương mại 2017 thì các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:

- Áp dụng thuế chống bán phá giá;

- Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.

Như vậy, biện pháp chống bán phá giá nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, đồng thời tạo sự công bằng cho hoạt động thương mại.

Hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nào?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 77 Luật Quản lý thương mại 2017 thì hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường hoặc mức giá mà Cơ quan điều tra xác định bằng phương pháp tự tính toán.

Theo đó, tại Điều 17 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định hàng hóa tương tự được coi là bán trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu theo điều kiện thương mại thông thường trừ các trường hợp sau đây:

- Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa nước xuất khẩu, hoặc giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba có giá bán thấp hơn chi phí sản xuất trong một khoảng thời gian ít nhất là 06 tháng và khối lượng, số lượng này ít hơn 20% tổng khối lượng, số lượng bán hàng trong nước hoặc xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba;

- Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu hoặc giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba được thực hiện giữa các bên có mối quan hệ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP và giá bán giữa các bên này không phản ánh giá thị trường. Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định về xác định mối quan hệ giữa nhà sản xuất hàng hóa tương tự và tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như sau:

+ Các nhà sản xuất hàng hóa tương tự được coi là có mối quan hệ với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Quản lý ngoại thương 2017 trong các trường hợp sau đây:

++ Bên này trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên kia;

++ Cả hai bên đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị kiểm soát bởi một bên thứ ba;

++ Cả hai bên cùng trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát bên thứ ba.

+ Một bên có thể bị coi là kiểm soát một bên khác khi bên đó có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của bên khác.

- Các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa nước xuất khẩu hoặc các giao dịch xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận bù trừ.

2. Hàng hóa nhập khẩu biên độ dưới 2% có áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Theo Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá như sau:

- Biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017;

+ Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;

+ Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá quy định tại điểm a khoản 2 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định tại điểm b khoản 1 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017.

- Không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

- Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Như vậy, theo quy định trên thì không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá dưới 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Hứa Lê Huy
504

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]