04/04/2024 09:55

Hàng hóa nguy hiểm là gì? Hàng hóa nguy hiểm được phân thành mấy loại?

Hàng hóa nguy hiểm là gì? Hàng hóa nguy hiểm được phân thành mấy loại?

Tôi muốn hỏi hàng hóa nguy hiểm là gì? Hàng hóa nguy hiểm được phân thành mấy loại? “Văn Tiễn – Hậu Giang”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Hàng hóa nguy hiểm là gì?

Hàng nguy hiểm (hàng hóa nguy hiểm) là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

Theo đó, chất nguy hiểm là những chất hoặc hợp chất ở dạng khí, dạng lỏng hoặc dạng rắn có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. (Theo quy định tại khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Nghị định 34/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2024)

2. Hàng hóa nguy hiểm được phân thành mấy loại?

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 34/2024/NĐ-CP thì hàng hóa nguy hiểm được phân loại như sau:

- Loại 1: Chất nổ và vật phẩm dễ nổ

+ Nhóm 1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng;

+ Nhóm 2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng;

+ Nhóm 3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng;

+ Nhóm 4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể;

+ Nhóm 5: Chất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng;

+ Nhóm 6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.

- Loại 2. Khí

+ Nhóm 1: Khí dễ cháy;

+ Nhóm 2: Khí không dễ cháy, không độc hại;

+ Nhóm 3: Khí độc hại.

- Loại 3: Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy

- Loại 4: 

+ Nhóm 1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy

+ Nhóm 2: Chất có khả năng tự bốc cháy;

+ Nhóm 3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.

- Loại 5:

+ Nhóm 1: Chất ôxi hóa;

+ Nhóm 2: Perôxít hữu cơ.

- Loại 6:

+ Nhóm 1: Chất độc;

+ Nhóm 2: Chất gây nhiễm bệnh;

- Loại 7: Chất phóng xạ.

- Loại 8: Chất ăn mòn.

- Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.

Lưu ý: Các bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hoá nguy hiểm cũng được coi là hàng hoá nguy hiểm tương ứng.

Như vậy, tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và mỗi loại sẽ được phân thành những nhóm khác nhau. Việc phân loại chi tiết như vậy giúp xác định rõ đặc tính của từng loại hàng nguy hiểm, từ đó áp dụng các biện pháp vận chuyển, bảo quản phù hợp để đảm bảo an toàn.

3. Người và phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cần đảm bảo điều kiện gì?

* Điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường bộ

Theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định 34/2024/NĐ-CP thì người và phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường bộ cần đảm bảo các điều kiện sau:

- Đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

+ Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải đảm bảo có đủ các điều kiện điều khiển phương tiện và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định này.

+ Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn về loại hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.

- Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

+ Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

+ Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên, phía trước và phía sau của phương tiện đảm bảo dễ quan sát, nhận biết.

+ Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện khi không tiếp tục vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm đó.

* Điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường thủy

Theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 34/2024/NĐ-CP thì người và phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường thủy cần đảm bảo các điều kiện sau:

- Điều kiện đối với người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

+ Thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa làm việc trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn đặc biệt về vận tải hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định 34/2024/NĐ-CP.

+ Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện và tại cảng, bến thủy nội địa phải được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.

- Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm

+ Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

+ Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên của phương tiện.

+ Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Đơn vị vận tải, thuyền viên hoặc người lái phương tiện thủy nội địa có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện khi không tiếp tục vận chuyển loại hàng hóa nguy hiểm đó.

Việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là các chất dễ cháy, nổ qua công trình hầm, phà cần lưu ý:

- Không được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí đốt, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ, chất rắn khử nhạy khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên.

- Không được vận chuyển đồng thời người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác trên cùng một chuyến phà.

(Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 34/2024/NĐ-CP )

Như vây, việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của các bên liên quan, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Tiêu chí an toàn là ưu tiên hàng đầu khi vận chuyển loại hàng hóa đặc biệt này.

Hứa Lê Huy
602

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn