Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:
- Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua bao gồm:
+ Hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu;
+ Hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất);
+ Xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá;
Đồng thời, người bán phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Như vậy, hàng hóa dùng để khuyến mại thì vẫn phải lập hóa đơn để giao cho người mua.
Theo Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt của hành vi không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để khuyến mại như sau:
- Phạt tiền từ 500 trăm nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi:
+ Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất;
Trong trường hợp không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua hoặc lập hóa dơn không đúng thời điểm thì mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.
- Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4, khoản 5 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP khi người mua có yêu cầu.
Như vậy, hành vi không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để khuyến mại thuộc mức phạt tiền từ 500 trăm nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng.
Theo Điều 6 Luật Quản lý Thuế 2019 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế bao gồm:
- Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
- Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
- Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
- Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
- Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
- Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.
- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
- Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế
Như vậy, hành vi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế.