27/02/2024 16:19

Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi tối đa là bao nhiêu?

Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi tối đa là bao nhiêu?

Cho tôi hỏi hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi tối đa theo quy định pháp luật sẽ là bao nhiêu, xin cảm ơn. Anh Đức Hòa (Ninh Bình)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau 

1. Bảo hiểm tiền gửi là gì?

Tại Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 đã nêu rõ khái niệm về bảo hiểm tiền gửi như sau:

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Vậy nên có thể hiểu rằng bảo hiểm tiền là một loại bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tín dụng không có khả năng trả lại tiền cho người gửi, hoặc lâm vào tình trạng phá sản.

Bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tiết kiệm, qua đó củng cố thêm niềm tin cho khách hàng khi đến gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.

Hiện nay, ngoại trừ ngân hàng chính sách thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012)

2. Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi tối đa là bao nhiêu?

Hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi tối đa được nêu rõ tại Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg như sau:

Điều 3. Hạn mức trả tiền bảo hiểm

Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng).

Theo đó, hạn múc trả bảo hiểm tiền gửi tối đa cho người gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng nói chung hay ngân hàng nói riêng sẽ là 125 triệu đồng.

Cho nên trong trường hợp tổ chức tín dụng tuyên bố phá sản, người gửi tiền tiết kiệm chỉ có thể nhận khoản tiền bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125 triệu đồng cùng với tiền đền bù qua việc thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng phá sản.

3. Phí bảo hiểm tiền gửi được quy định như thế nào?

Hiện nay, phí bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Điều 20 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 như sau:

- Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.

- Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

- Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên quý thu phí;

Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp phí trùng vào ngày Lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được nộp vào ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ Lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần đó.

- Phí bảo hiểm tiền gửi được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
4965

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]