Cụ thể, tại Bản án 144/2018/DS-PT ngày 22/08/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại gửi giữ tài sản, theo đó:
“Ngày 16/01/2017, vào khoảng 19 giờ 30 phút Danh Ngọc H cùng 01 người bạn vào quán cà phê D trên đường T uống cà phê. Khi vào H có chạy xe mô tô biển số 68C1-217.34 màu đen đỏ hiệu Exciter chở người bạn tên Danh T, H chạy vào đậu xe trong quán ngay tầm nhìn của bảo vệ để bảo vệ dễ quan sát xe H hơn, lúc đó có bảo vệ trông thấy.
Tại đây H cùng 3 người bạn của H uống cà phê đến 21 giờ 55 phút thì ra về. Khi ra thì không thấy xe, H và bạn H tìm bảo vệ để hỏi nhưng không thấy bảo vệ, đến khoảng 5 phút sau bảo vệ mới tới quán, khi H hỏi thì bảo vệ nói mới nhận ca nên không biết, H hỏi về số điện thoại bên công ty bảo vệ để trình bày sự việc thì bảo vệ nói thấy xe đã mất, H nhờ H3 và T đi trình báo công an phường N, công an phường có ghi nhận sự việc.
Nhận thấy, khi vào quán bảo vệ phải có trách nhiệm trông coi xe của H, do bảo vệ quán sơ hở mất cảnh giác, kẻ gian đã đột nhập và lấy xe H, vì khi vào quán bảo vệ có trách nhiệm trông coi xe. Do đó H yêu cầu bà Danh Kim S chủ quán cà phê và ông Nguyễn Minh H1 quản lý quán cà phê có trách nhiệm bồi thường xe cho H.
Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Danh Ngọc H đối với bị đơn bà Danh Kim S. Buộc bà Danh Kim S chủ quán cà phê D phải bồi thường cho ông Danh Ngọc H giá trị chiếc xe Exciter mang biển số 68C1-217.34 số tiền là 31.000.000 (ba mươi một triệu) đồng.”
Đối chiếu với quy định của pháp luật tại Điều 554, Điều 556, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Điều 556. Quyền của bên gửi tài sản
1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...
Ngoài ra, Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định:
Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Như vậy, giao dịch dân sự có thể được xác lập bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể mà không nhất thiết phải bắt buộc là bằng văn bản trừ một số trường hợp đặc biệt. Việc H để xe tại quán để uống cà phê và có sự chứng kiến của bảo vệ quán đã xác lập thành một hợp đồng gửi giữ tài sản bằng hành vi cụ thể dù bảo vệ không đưa thẻ xe cho H.
Vì giao dịch gửi giữ tài sản đã được xác lập nên khi mất xe thì bên nhận gửi giữ tài sản phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho H là bên gửi giữ tài sản theo quy định pháp luật.
Mặc dù, khi mất xe tại quán cà phê (có bảo vệ) nhưng không có thẻ xe thì vẫn có thể được bồi thường nhưng khi gửi xe tại quán chúng ta nên yêu cầu bảo vệ đưa thẻ xe cho mình để tự bảo vệ tài sản và tránh những rắc rối không đáng có.