10/12/2019 11:32

Giữ trẻ bất cẩn gây hậu quả phải chịu trách nhiệm ra sao?

Giữ trẻ bất cẩn gây hậu quả phải chịu trách nhiệm ra sao?

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến các “cơ sở giữ trẻ tư nhân tự phát”. Hậu quả xảy ra đôi khi do sự vô ý, bất cẩn nhưng cũng có nhiều trường hợp là do sự cố ý của người giữ trẻ. Và khi hậu quả đã xảy ra, tất yếu phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm của những người có liên quan để có hình thức xử lý cho phù hợp với các quy định pháp luật.

Tại Bản án 02/2018/HS-PT ngày 11/01/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử về tội vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đối với bị cáo Nguyễn Thị Tố V. Cụ thể:

Nguyễn Thị Tố V không có chứng chỉ và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động nghề giữ trẻ theo quy định của pháp luật nhưng vẫn tự phát nhận trông giữ trẻ tại nhà thuê. Khoảng đầu tháng 03/2016, V nhận trông giữ cháu Lương Công C là con anh Lương Công T và chị Ngô Thị Y và một cháu tên Luyn tại nhà với số tiền 1.500.000 đồng/tháng/cháu. Trong thời gian này cháu C nặng khoảng 10kg, cao khoảng 55 cm; có thể tự lật, bò, ngồi dậy và vịn vật cứng để đứng dậy trong thời gian ngắn và đôi lúc tự ngồi dậy trong nôi sau khi thức giấc.

Sáng ngày 18/07/2016, V nhận trông giữ các cháu như thường ngày. Đến khoảng 11 giờ 30 phút, sau khi cho cháu C và cháu Luyn ăn trưa xong, V cho mỗi cháu ngủ trong một nôi bằng mây, sau đó V ra phía trước nhà để rửa chén nhưng không có ai để trông nom hai cháu. Khoảng 15 phút sau, V nghe thấy một tiếng “bịch” nên chạy vào nhà xem thì thấy cháu C đang nằm dưới nền nhà ở tư thế nằm ngửa, bất tỉnh, mắt trợn ngược. Cháu Lương Công C bị chấn thương sọ não; phù não, tăng áp lực nội sọ, nứt vỡ xương sọ, tụ máu nội sọ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 74%.”

Bản án tuyên: Bị cáo Nguyễn Thị Tố V bị kết án 18 tháng cải tạo không giam giữ về tội vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 1 Điều 108 BLHS năm 1999, đồng thời bồi thường cho gia đình cháu C số tiền 610.251.611 đồng.

Theo Điều 108 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định như sau:

Điều 108. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Về hành vi, các các nhân, cơ sở giữ trẻ tư nhân tự phát, tự thực hiện việc trông giữ trẻ mà không đăng ký, không thực hiện thủ tục cho phép thành lập tại cơ quan quản lý có thẩm quyền đều là hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thành lập nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục tại nhiều văn bản.

Về việc xác định lỗi, bị cáo không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác nên đây là hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do cẩu thả.

Trong mọi trường hợp, quá trình xác minh vụ việc của cơ quan chức năng phải làm rõ các nghi vấn, tình tiết để xác định lỗi chính xác bị cáo đã phạm tội vô ý hay có xảy ra hành vi dùng vũ lực gây thương tích cho bị hại; từ đó làm căn cứ xác định tội danh đúng với hành vi phạm tội và có hình thức xử lý phù hợp theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, dù có hình phạt nào đi nữa, thì hậu quả xảy ra đã gây tổn thương cho bản thân và gia đình người bị hại. Như vậy, vô ý hay cố ý gây thương tích cho người khác thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự tùy theo từng mức độ nhất định.

Như Ý
2531

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn