15/02/2024 16:40

Giỗ Tổ Hùng Vương 2024, người lao động được nghỉ mấy ngày?

Giỗ Tổ Hùng Vương 2024, người lao động được nghỉ mấy ngày?

Năm 2024, Giỗ Tổ Hùng Vương, người lao động được nghỉ mấy ngày? Giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào ngày thứ mấy? Lan Thy – Bạc Liêu.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Giỗ Tổ Hùng Vương: Lịch sử và Ý nghĩa

Giỗ Tổ Hùng Vương, còn gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, là một ngày lễ quan trọng của Việt Nam nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là dịp để người dân Việt Nam trên toàn thế giới thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, đồng thời là dịp để hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và lòng yêu nước.

Lịch sử:

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18-2-1946 cho công chức nghỉ ngày 10-3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc

Vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế. Tổng số trên cả nước có 1.417 đền thờ Vua Hùng.

Ý nghĩa:

Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ có ý nghĩa lịch sử và văn hóa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để người dân Việt Nam thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, những người có công dựng nước và giữ nước.

Lễ hội cũng là dịp để hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và lòng yêu nước. Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ cần được gìn giữ và phát huy để thế hệ mai sau luôn ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

2. Giỗ Tổ Hùng Vương 2024, người lao động được nghỉ mấy ngày?

Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 về ngày nghỉ lễ, tết như sau:

- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

+ Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

+ Tết Âm lịch: 05 ngày;

+ Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

+ Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

+ Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

- Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Hiện nay, theo lịch 2024, ngày 10/3 Âm lịch sẽ rơi vào thứ 5 ngày 18/4/2024.

Lịch nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2024

Như vậy, theo quy định của luật, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương người lao động sẽ được nghỉ 1 ngày vào thứ 5 ngày 18/4/2024 và người lao động vẫn được trả lương theo quy định.

3. Có được nghỉ thêm trước, sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không?

Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:

(1) Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

(2) Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

(3) Ngoài quy định tại mục (1) (2), người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Như vậy, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Nếu được sự chấp thuận từ người sử dụng lao động thì người lao động có thể nghỉ thêm trước, sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương theo thỏa thuận.

Nguyễn Ngọc Trầm
302

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn