05/04/2019 11:34

Giết người và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng – xác định có dễ?

Giết người và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng – xác định có dễ?

Chúng ta vẫn hay thường được nghe nhiều trường hợp do bị người khác đánh trước hoặc uy hiếp trước nên mới đánh trả lại và gây chết người. Thế nhưng việc đánh trả gây chết người thì trường hợp nào được xem là “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ” và trường hợp nào sẽ bị truy tố về tội “giết người”?

Tại Điều 22, 126 Bộ Luật hình sự 2015 có quy định:

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

“Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Như vậy, khi xét thấy mức độ chống trả là phù hợp thì có thể được xem là phòng vệ chính đáng, chống trả quá mức cần thiết thì được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, một số truờng hợp khác mặc dù bị người khác đánh trước nên mới đánh trả gây chết người nhưng vẫn không được xem là thuộc hai truờng hợp trên mà vẫn xử tội giết người như bình thường.”

Điển hình như tại hai bản án sau:

Bản án 200/2017/HSPT ngày 10/08/2017 về tội giết người với nội dung:

Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 03/11/2016, trong lúc chơi game, Q nhiều lần đến hỏi mượn tiền của C nhưng C nói không có tiền; Sau đó, Q đi đến chỗ C đang chơi game tay phải đấm mạnh 01 cái vào mặt (má trái) C làm chảy máu. Bị đánh, C tức giận lấy dao Thái Lan có sẵn ở trên bàn giữa 02 máy tính số 22 và số 23 rồi cầm dao bằng tay phải đứng lên ghế mình ngồi, thấy vậy Q lao đến thì bị C dùng dao quơ ngang qua lại trúng vào mặt Q làm chảy máu. Q xông đến dùng hai tay kéo C xuống ghế, sau đó, Q dùng hai tay kẹp cổ C theo tư thế phần đầu của C ở phía sau lưng Q, còn phần hai tay, thân người và hai chân của C ở phía trước người Q. Bị Q kẹp cổ, C dùng tay trái nắm vào phần hông bên phải Q còn tay phải C cầm dao Thái Lan đâm 01 nhát trúng ngực Q, đến ngày 04/11/2016, anh Q tử vong.

Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xử phạt Bị cáo Trần Văn C 7 (bảy) năm tù về Tội: “Giết người”

Bản án 35/2018/HSPT ngày 22/01/2018 về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cụ thể:

H1 đến nhà H2 là vợ cũ để hỏi chuyện thì gặp anh M ở đó nên chửi anh M, anh M cầm một con dao phay cả cán và lưỡi dài khoảng 30 – 35 cm, cán gỗ, lưỡi bằng kim loại rộng khoảng 3 – 4 cm, mũi nhọn xông ra chém H1, H1 né tránh thì trúng vào tai trái, M chém nhát thứ hai thì H1 chụp được tay anh M rồi hai bên ôm vật nhau ngã xuống đất. Trong lúc giằng co, H1 tước được dao của M rồi cả hai đứng dậy đối diện nhau khoảng 01 mét, lúc này M lấy côn nhị khúc ra đánh H1 nên tay phải H1 cầm dao (đã tước được của M) đâm từ trên xuống trúng vào vai trái của anh M một nhát rồi H1 bỏ chạy. Anh M sau đó đã chết trên đường đi cấp cứu…

Tòa án nhân dân cấp cao xử phạt bị cáo Nguyễn Minh H1 02 (Hai) năm tù về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Như vậy, nếu trường hợp chúng ta có thể bị ai đó vô cớ đánh hoặc vì mục đích nào đó mà bị đánh thì chúng ta cũng phải tỉnh táo để có phương thức chống trả phù hợp nếu không muốn vướng vào vòng lao lý.

Nguyễn Sáng
4964

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]