28/07/2023 17:33

Giấy chứng nhận bảo hiểm có nội dung khác với hợp đồng thì giải quyết tranh chấp thế nào?

Giấy chứng nhận bảo hiểm có nội dung khác với hợp đồng thì giải quyết tranh chấp thế nào?

Khi ký hợp đồng bảo hiểm, ngoài hợp đồng bên mua bảo hiểm còn được cấp giấy chứng nhận. Trong trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng theo hợp đồng thì người mua bảo hiểm được bồi thường, theo giấy chứng nhận thì lại không. Trong trường hợp này, các bên phải giải quyết thế nào? “Minh Hà-Quảng Trị”

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Quy định pháp luật về Giấy chứng nhận bảo hiểm, Hợp đồng bảo hiểm

Đối với một số loại hợp đồng bảo hiểm, ví dụ hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, ngoài hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải được doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm để bổ túc hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 149/2020/TT-BCA:

Điều 4. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy

1. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định136/2020/NĐ-CP) do người đứng đầu cơ sở lập, lưu giữ, gồm:

...

l) Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

...

Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm kết hợp bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và tự nguyện, thì bên mua vẫn được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm để đảm bảo thủ tục trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm 2022:

Điều 17. Nội dung của hợp đồng bảo hiểm

1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

b) Đối tượng bảo hiểm;

c) Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;

d) Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

đ) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;

e) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;

g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;

h) Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

i) Phương thức giải quyết tranh chấp.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản 1 Điều này đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.

Điều 18. Hình thức, bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, về nguyên tắc chung, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, các bên phải lập hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản có các nội dung theo quy định tại Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022. Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm không có quy định về nội dung phải có trong Luật kinh doanh bảo hiểm 2022.

Tuy nhiên, trong một số hợp đồng bảo hiểm có pháp luật chuyên ngành điều chỉnh, giấy chứng nhận bảo hiểm vẫn phải tuân thủ một số quy định về nội dung.

Điển hình là trong bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có quy định như sau:

Điều 4. Đối tượng bảo hiểm

1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:

a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.

b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Theo quy định trên, riêng đối với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có nội dung ghi rõ đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng làm đúng quy định này, dẫn đến trường hợp phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm hoặc quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm trong giấy chứng nhận bảo hiểm và trong hợp đồng bảo hiểm không đồng nhất với nhau nên xảy ra tranh chấp.

Thực tiễn xét xử tranh chấp về phạm vi bảo hiểm khi Giấy chứng nhận bảo hiểm có nội dung khác với Hợp đồng bảo hiểm

Tham khảo tình huống tại Bản án 05/2023/KDTM-PT do Tòa án nhân dân An Giang xét xử ngày 20/03/2023 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm:

Tóm tắt tình huống:

"Nguyên đơn Công ty ĐN và bị đơn Công ty Bảo hiểm BĐ  hai bên có ký hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt bao gồm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số: 0000058/HD/017-03/PHH.TS.3.2/2019 vào ngày 13/5/2019, phía nguyên đơn đã thực hiện đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đã phát sinh hiệu lực của hợp đồng đến ngày 04/4/2020.

Ngày 23/7/2019, Công ty ĐN xảy ra tổn thất (nguyên nhân giông, bão), nguyên đơn Công ty ĐN có thông tin ngay cho bị đơn Công ty Bảo hiểm BĐ, phía bị đơn có cử giám định viên đến hiện trường xác định nguyên nhân tổn thất (theo biên bản ngày 24/7/2019), nhưng qua kiểm tra phía bị đơn xác định thiệt hại tài sản của nguyên đơn là do giông, lốc không thuộc phạm vi bảo hiểm được ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm nên không cần thiết giám định thiệt hại và không đồng ý bồi thường tiền bảo hiểm."

Theo nội dung Hợp đồng bảo hiểm:

Điều 2. Điều kiện bảo hiểm

2.1 Quy tắc bảo hiểm

- Tuân thủ theo Quy tắc Bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-PTI ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm BĐ.

- Tuân thủ Nghị định 23/2018/NĐ-CP, ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

- Phạm vi bảo hiểm:

+ Rủi ro A: Cháy, Sét đánh, Nổ.

+ Rủi ro B: Nổ.”

Quy tắc bảo hiểm nêu trên có 10 rủi ro gồm: A: Cháy; B: Nổ; C: Máy bay rơi; D: Gây rối, đình công, bế xưởng; E: Thiệt hại do hành động ác ý; F: Động đất hay núi lửa phun; G: Giông và bão; H: Giông, bão, lụt; I: Tràn nước từ các bể và thiết bị chứa nước hay đường dẫn ống nước; J: Đâm va do xe cơ giới hay động vật.

Ngoài ra, Hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt bao gồm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số: 0000058/HD/017-03/PHH.TS.3.2/2019 không có nội dung điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Về giấy chứng nhận bảo hiểm số 000000058/HD/017- 03/PHH.TS.3.2/2019 ngày 13/5/2019 thể hiện nội dung: “Đơn bảo hiểm áp dụng, những rủi ro được bảo hiểm: Tuân thủ Nghị định 23/2018/NĐ-CP, ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.”

Giấy chứng nhận bảo hiểm không có nội dung Tuân thủ theo Quy tắc Bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-PTI ngày 16/9/2016 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm BĐ. Do đó nguyên đơn cho rằng các rủi ro đặc biệt không được ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm đều được bảo hiểm, trong đó có “giông, bão” được bảo hiểm. Tại phiên tòa phía bị đơn cho rằng Giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ là thủ tục mang tính đối phó đối với cơ quan có thẩm quyền khi có kiểm tra.

Nhận định của Tòa án:

"Tại phiên tòa phía bị đơn cho rằng Giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ là thủ tục mang tính đối phó đối với cơ quan có thẩm quyền khi có kiểm tra, ý kiến này của bị đơn là không đúng quy định pháp luật. Vì theo Quy tắc Bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-PTI ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm BĐ, tại phần các điều kiện chung quy định:

“1. Tính đồng nhất.

Quy tắc bảo hiểm này cũng như Giấy chứng nhận và các mô tả (cấu thành một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng bảo hiểm) phải được coi là một hợp đồng bảo hiểm và các từ ngữ và cụm từ mang những ý nghĩa đặc trưng trong từng phần của Quy tắc bảo hiểm hoặc Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc mô tả phải nhất quán về nghĩa đặc trưng này trong toàn bộ hợp đồng”.

Bình luận Bản án:

Trong trường hợp bản án này, Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm không đồng nhất, hơn nữa Công ty Bảo hiểm BĐ không cung cấp Quy tắc bảo hiểm, không giải thích về Quy tắc bảo hiểm cho Công ty ĐN nên Công ty ĐN không thể hiểu được, biết được thế nào là rủi ro đặc biệt để mua bảo hiểm tự nguyện cho phù hợp với loại hình kinh doanh của mình và biết được để bảo vệ quyền, lợi ích cho mình. Tại phiên tòa bị đơn Công ty Bảo hiểm BĐ không chứng minh được đã giải thích và cung cấp Quy tắc bảo hiểm cho nguyên đơn Công ty ĐN là vi phạm điểm a điểm b khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm.

Hội đồng xét xử xét thấy Công ty bảo hiểm BĐ là đơn vị kinh doanh bảo hiểm, là bên soạn thảo hợp đồng, nhưng nội dung hợp đồng ghi không đầy đủ, Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm không đồng nhất; không cung cấp Quy tắc bảo hiểm dẫn đến người mua bảo hiểm thiếu thông tin nên không hiểu, không biết các rủi ro đặc biệt cần phải mua, đây là lỗi của Công ty Bảo hiểm BĐ.

Từ những chứng cứ trên cho thấy nguyên đơn kháng cáo yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền bảo hiểm 1.735.859.918 đồng là có cơ sở nên được chấp nhận."

Từ bản án trên, có thể thấy khi phạm vi bảo hiểm trên Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm không đồng nhất, Tòa án căn cứ vào Quy tắc bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đặt ra, theo đó, quy tắc có quy định nội dung của hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm phải nhất quán về nội dung trong toàn bộ hợp đồng.

Ngoài ra, căn cứ vào điểm a, b Khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (có hiệu lực áp dụng tại thời điểm xảy ra tranh chấp) có quy định:

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

...

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ:

a) Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm;

b) Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

..”

Theo đó, Tòa án nhận định việc doanh nghiệp bảo hiểm không giải thích rõ phạm vi bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm là vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Ngoài ra doanh nghiệp bảo hiểm là bên soạn thảo hợp đồng, nhưng nội dung Hợp đồng bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm không đồng nhất; không cung cấp thông tin đầy đủ cho bên mua bảo hiểm nên có lỗi trong tranh chấp này.

Nguyễn Mai Xuân Hà
2442

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn