10/08/2022 11:56

"Giật cô hồn" vào tháng 7 âm lịch có vi phạm pháp luật không?

"Giật cô hồn" vào tháng 7 âm lịch có vi phạm pháp luật không?

“Tôi thấy cứ vào dịp tháng 7 là nhiều người lại tranh giành nhau giật cô hồn ở các nhà giàu. Vậy việc giật cô hồn đó có vi phạm pháp luật không?”_ Ngọc Ánh (Cần Thơ)

THƯ VIỆN BẢN ÁN xin giải đáp thắc mắc của chị Ánh như sau:

Vào dịp tháng 7 âm lịch, dân gian thường có phong tục “cúng cô hồn” và sau khi cúng xong sẽ cho những người khác bên ngoài giành giật phần đồ cúng (gọi là giật cô hồn) để những xui xẻo, không may của gia chủ được người khác lấy đi. Hiện nay việc giật cô hồn vẫn đang được duy trì và trở thành một phần văn hóa trong tháng 7 âm lịch của nước ta. Và khi kinh tế càng phát triển thì các món đồ để cũng cô hồn ngày càng có giá trị có thể các tờ tiền 500 nghìn đồng, 200 nghìn đồng, heo quay nguyên con....

Việc giật cô hồn đã trở thành nét văn hoá và xét ở góc độ pháp lý là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên cần lưu ý các trường hợp người giật cô hồn có thể bị xử lý hình sự, cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Khi gia chủ chưa cúng xong, mới mang ra để chuẩn bị mà người khác đã giật đi thì được xem là hành vi cướp giật tài sản và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội cướp giật tài sản tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”

Trường hợp 2: trong quá trình giật cô hồn (giật sau khi gia chủ đã cúng xong) nếu như người nào có hành vi cố ý gây thương tích hay giết người để giật cô hồn dễ hơn thì phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi tương ứng. Cụ thể:

Đối với hành vi cố ý gây thương tích có thể bị:

- Xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm e Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Xử phạt hình sự: khi gây thương tích cho người khác với tỷ lệ từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm hoặc các thủ đoạn khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi năm 2017.

Đối với Hành vi giết người có thể bị truy cứu theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

 

Nguyễn Sáng
1103

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn