26/04/2024 11:24

Giáo viên mầm non phải đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nào?

Giáo viên mầm non phải đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nào?

Xin cho tôi hỏi: Muốn làm giáo viên mầm non thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nào? Mong được giải đáp! “Chị Quỳnh - Kiên Giang”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Hiện nay có bao nhiêu loại hình cơ sở giáo dục mầm non?

Căn cứ Điều 26 Luật Giáo dục 2019 quy định về các loại hình cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, hiện nay có các loại hình cơ sở giáo dục mầm non sau:

[1] Nhà trẻ, nhà trẻ độc lập: giáo dục cho trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi;

[2] Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập: giáo dục cho trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi;

[3] Trường mầm non, lớp mầm non độc lập: giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.

Giáo viên mầm non phải đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nào?

Căn cứ Điều 2a Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non như sau:

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.

2. Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước trẻ em.

3. Yêu nghề, thương yêu trẻ em; biết quản lý cảm xúc; đối xử công bằng và tôn trọng trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.

Như vậy, giáo viên mầm non hiện nay phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp sau:

- Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.

- Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước trẻ em.

- Yêu nghề, thương yêu trẻ em;

- Biết quản lý cảm xúc, đối xử công bằng và tôn trọng trẻ em, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em;

- Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

- Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và đạo đức nhà giáo.

Giáo viên mầm non có hành vi đánh đập trẻ em có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Căn cứ Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính giáo viên mầm non như sau:

Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

...

b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

...

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

...

b) Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Bên cạnh đó, căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

Hình thức xử phạt và mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục

...

3. Mức tiền phạt trong lĩnh vực giáo dục:

...

b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d, e khoản 3 Điều 14, điểm b khoản 3 Điều 21, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 29 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.

...

Như vậy, giáo viên mầm non có hành vi đánh đập trẻ em là đang thực hiện hành vi xâm phạm thân thể người học, do đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, giáo viên mầm non có hành vi đánh đập trẻ em cũng buộc xin lỗi công khai trẻ em, ngoại trừ trường hợp chính trẻ em hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu không xin lỗi công khai.

Trân trọng!

Trần Thị Ngọc Huyền
289

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn