03/08/2021 15:20

Giao kết hợp đồng trái pháp luật với công ty bán hàng đa cấp

Giao kết hợp đồng trái pháp luật với công ty bán hàng đa cấp

Bán hàng đa cấp là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến hiện nay, được pháp luật cho phép hoạt động theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Đây là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.

Trong quá trình giao kết hợp đồng kinh doanh bán hàng đa cấp vẫn phát sinh nhiều mâu thuẫn do một trong các bên giao kết có hành vi trái pháp luật. Vậy những tranh chấp phát sinh này sẽ được Tòa án giải quyết như thế nào thông qua việc áp dụng pháp luật là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Cụ thể, tại bản án dân sự sơ thẩm 15/2019/DS-ST ngày 25/04/2019về tranh chấp hợp đồng hợp tác bán hàng có nội dung như sau:

“Ngày 24/4/2015, ông Nguyễn Văn H và Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam cùng nhau ký hợp đồng hợp tác bán hàng với thời hạn là 01 năm và có hiệu lực kể từ khi hai bên ký kết. Bản chất của hợp đồng này là kinh doanh bán hàng đa cấp. Công ty giải thích rằng đây chỉ là một hình thức đầu tư, người tham gia đóng tiền vào để hưởng hoa hồng tương ứng số tiền đã đóng, đóng tiền thông qua hình thức mua hàng. Do đó ông không lấy sản phẩm, mỗi lần nộp tiền, công ty không lập phiếu thu tiền mà lập phiếu đặt hàng ghi số lượng hàng và số tiền công ty thu.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông nộp 800.928.000 đồng và nhận 81 phiếu đặt hàng, trên phiếu ghi sản phẩm là thực phẩm chức năng Cao hồng sâm. Đến lần đặt mua hàng vào 28/10/2015, ông giữ 234 phiếu (tương ứng 2.313.792.000 đồng). Khi biết Công ty có vấn đề về hoạt động bán hàng đa cấp, ông dừng đặt hàng và đề nghị chấm dứt hợp đồng, rút tiền đặt hàng nhưng công ty từ chối.

Vì vậy, ông H khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và yêu cầu công ty trả lại số tiền 2.313.792.000 đồng.”

Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã tuyên bố hợp đồng hợp tác bán hàng giữa ông H và Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam vô hiệu và buộc Công ty trả lại cho ông H số tiền 1.723.214.000 đồng (đã trừ đi số tiền hoa hồng ông H nhận từ công ty).

Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là thỏa thuận xác lập mối quan hệ giữa người muốn tham gia bán hàng đa cấp và doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong hoạt động bán hàng đa cấp. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, những nội dung cơ bản, bắt buộc phải có trong hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bao gồm:

Điều 24. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp

“...
2. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;

b) Họ và tên, hộ khẩu thường trú (hoặc đăng ký lưu trú đối với người nước ngoài), nơi đăng ký tạm trú, số chứng minh nhân dân (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài) của người tham gia bán hàng đa cấp; số giấy phép lao động trong trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp là người nước ngoài;

c) Tên, công dụng, cách thức sử dụng, giá bán, các điều kiện và phạm vi bảo hành (nếu có), chính sách đổi, mua lại hàng hóa;

d) Cách thức tính tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng nhận được từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng;

đ) Trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp trong việc bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người tham gia bán hàng đa cấp;

e) Các trường hợp chấm dứt, gia hạn và thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

g) Cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng.”

Tại Hợp đồng hợp tác bán hàng giao kết giữa ông H và Công ty đã không nêu rõ về tên, công dụng, cách thức sử dụng, giá bán, các điều kiện và phạm vi bảo hành (nếu có), chính sách đổi, mua lại hàng hóa; cách thức tính tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng nhận được từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng nên vi phạm về nội dung hợp đồng theo quy định nêu trên.

Đồng thời, việc giao kết hợp đồng với mục đích chỉ để hưởng tiền hoa hồng từ việc nộp tiền vào công ty chứ không nhằm bán sản phẩm, hàng hóa của công ty. Vì vậy mục đích giao kết hợp đồng đã vi phạm điểm o khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Điều 5. Những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp

“1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

...
o) Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;”

Với những vi phạm pháp luật trong giao kết hợp đồng nêu trên, việc Tòa án tuyên bố hợp đồng giao kết giữa ông H và Công ty vô hiệu là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng vô hiệu.

Như vậy, pháp luật nước ta thừa nhận hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp và có những quy định chặt chẽ nhằm quản lý loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên, trong thực tế việc áp dụng pháp luật trong giao kết hợp đồng kinh doanh bán hàng đa cấp vẫn có nhiều lỗ hổng và bất cập, khiến cho loại hình kinh doanh này bị lợi dụng, biến tướng để thu lời bất chính. Do đó, các bên khi giao kết loại hợp đồng này cần cẩn thận, xem xét kỹ các điều khoản, mục đích của hợp đồng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ hợp đồng.

Xuân Hiền
1289

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn