30/09/2024 09:14

Giáo dục thể chất là gì? Sinh viên có bắt buộc học môn giáo dục thể chất không?

Giáo dục thể chất là gì? Sinh viên có bắt buộc học môn giáo dục thể chất không?

Giáo dục thể chất là gì? Sinh viên có bắt buộc học môn giáo dục thể chất không? Sinh viên được miễn học giáo dục thể chất ở Đại học trong trường hợp nào? Sinh viên có những quyền gì?

1. Giáo dục thể chất là gì? Sinh viên có bắt buộc học môn giáo dục thể chất không?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 11/2015/NĐ-CP quy định về vị trí, mục tiêu giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường như sau:

Điều 2. Vị trí, mục tiêu giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường

1. Giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

...

Như vậy, theo quy định trên, giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Theo đó, giáo dục thể chất là môn học bắt buộc đối với sinh viên. 

2. Sinh viên được miễn học giáo dục thể chất ở Đại học trong trường hợp nào?

Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc đối với sinh viên. Tuy nhiên, sẽ có một vài trường hợp sinh viên được miễn giáo dục thể chất ở Đại học. Cụ thể, tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 25/2015/TT-BGDĐT quy định như sau:

Điều 8. Tổ chức thực hiện chương trình

4. Người học là người khuyết tật hoặc không đủ sức khỏe học một số nội dung trong chương trình môn học Giáo dục thể chất được xem xét miễn, giảm những nội dung không phù hợp hoặc được học các nội dung thay thế phù hợp. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định cụ thể việc miễn, giảm và quy định các nội dung học tập thay thế đối với người khuyết tật, người không đủ sức khỏe học tập.

Như vậy, sinh viên được miễn học giáo dục thể chất ở Đại học trong 02 trường hợp sau:

- Là người khuyết tật;

- Không đủ sức khỏe học một số nội dung trong chương trình môn học Giáo dục thể chất được xem xét miễn, giảm những nội dung không phù hợp hoặc được học các nội dung thay thế phù hợp

Theo đó, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định cụ thể việc miễn, giảm và quy định các nội dung học tập thay thế đối với người khuyết tật, người không đủ sức khỏe học tập.

3. Sinh viên có những quyền gì?

Căn cứ theo Điều 5 Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT quy định về quyền của sinh viên bao gồm:

(1) Được nhận vào học đúng ngành, nghề đã đăng ký dự tuyển nếu đủ các Điều kiện trúng tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ sở giáo dục đại học.

(2) Được tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân về việc học tập, rèn luyện theo quy định của cơ sở giáo dục đại học; được phổ biến nội quy, quy chế về đào tạo, rèn luyện và các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến sinh viên.

(3) Được tạo Điều kiện trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện, bao gồm:

- Sử dụng hệ thống thư viện, các trang thiết bị và phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao;

- Tham gia nghiên cứu khoa học, thi sinh viên giỏi, thi Olympic các môn học, thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật;

- Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Đăng ký dự tuyển đi học, tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi sinh viên ở nước ngoài; học chuyển tiếp ở các trình độ đào tạo cao hơn theo quy định hiện hành;

- Tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam; tham gia các tổ chức tự quản của sinh viên, các hoạt động xã hội có liên quan ở trong và ngoài trường học theo quy định của pháp luật; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh, phù hợp với Mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục đại học;

- Sử dụng các dịch vụ công tác xã hội hiện có của cơ sở giáo dục đại học (bao gồm các dịch vụ về hướng nghiệp, tư vấn việc làm, tư vấn sức khỏe, tâm lý, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt,...)

- Nghỉ học tạm thời, tạm ngừng học, học theo tiến độ chậm, tiến độ nhanh, học cùng lúc hai chương trình, chuyển trường theo quy định của quy chế về đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; được nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ lễ theo quy định.

(4) Được hưởng các chế độ, chính sách, được xét nhận học bổng khuyến khích học tập, học bổng do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ theo quy định hiện hành; được miễn giảm phí khi sử dụng các dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa theo quy định của Nhà nước.

(5) Được góp ý kiến, tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục và các Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị các giải pháp góp phần xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục đại học; đề đạt nguyện vọng và khiếu nại lên Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của sinh viên.

(6) Được xét tiếp nhận vào ký túc xá và ưu tiên khi sắp xếp vào ở ký túc xá theo quy định.

(7) Sinh viên đủ Điều kiện công nhận tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, bảng Điểm học tập và rèn luyện, các giấy tờ liên quan và giải quyết các thủ tục hành chính khác.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
348

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]