02/04/2024 16:23

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngân hàng của cổ đông từ ngày 01/7/2024

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngân hàng của cổ đông từ ngày 01/7/2024

Tôi nghe nói rằng từ ngày 01/7/2024 thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sẽ giảm xuống theo Luật các tổ chức tín dụng 2024, vậy điều này có đúng không? Bạn Thanh Hà (Thanh Hóa).

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngân hàng của cổ đông từ ngày 01/7/2024

Theo Điều 64 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì từ ngày 01/7/2024 tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông trong các tổ chức tín dụng được quy định như sau:

- Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

- Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

- Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Theo đó, một cổ đông là cá nhân không được phép sở hữu vượt quá 05% vốn điều lệ của một ngân hàng, còn đối với cổ đông là tổ chức thì tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ không được vượt quá 10% vốn điều lệ.

Ngoài ra, cổ đông và người có liên quan cũng không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ ngân hàng. Trường hợp là cổ đông lớn của một ngân hàng và người có liên quan thì không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác.

Những quy định nêu trên (ngoại trừ quy định cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ) sẽ không áp dụng đối với trường hợp sau:

- Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng;

- Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;

- Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, việc sở hữu cổ phần ngân hàng của các cổ đông được quy định tại Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) như sau:

Điều 55. Tỷ lệ sở hữu cổ phần

1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 103, khoản 3 Điều 110 của Luật này;

b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;

c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

...

Như vậy, đối với trường hợp cổ đông là cá nhân thì tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng vẫn được giữ mức không quá 5% vốn điều lệ sau khi Luật các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực (ngày 01/7/2024). Tuy nhiên, đối với trường hợp cổ đông là tổ chức thì tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng đã bị giảm xuống, cụ thể:

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức giảm từ mức không vượt quá 15% xuống không vượt quá 10%.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan của cổ đông giảm từ mức không vượt quá 20% xuống không vượt quá 15%.

Mua lại cổ phần thực hiện như thế nào theo Luật các tổ chức tín dụng 2024?

Căn cứ theo Điều 65 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc mua lại cổ phần của cổ đông, thì tổ chức tín dụng chỉ được mua lại nếu sau khi thanh toán hết số tiền tương ứng với số cổ phần được mua lại mà vẫn bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng và giá trị thực của vốn điều lệ không giảm thấp hơn mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng.

Thêm vào đó, khoản 3, khoản 4 Điều 67 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng chỉ ra rằng Đại hội đồng cổ đông có nhiệm vụ, quyền hạn thông qua phương án mua lại cổ phần đã bán, cụ thể:

Trừ trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản 4 Điều 67 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua khi được số cổ đông đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận hoặc khi được số cổ đông đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông chấp thuận trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tỷ lệ khác cao hơn do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định.

Như vậy, điều đó có nghĩa rằng việc mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện khi có quyết định thông qua của Đại hội đồng cổ đông.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
389

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]