25/01/2021 07:58

Giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn khi người bị kiện cố tình giấu địa chỉ

Giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn khi người bị kiện cố tình giấu địa chỉ

Trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp ly hôn, việc xác định người bị kiện cố tình giấu địa chỉ còn có nhiều quan điểm khác nhau. Chúng tôi cho rằng, cần có sự hướng dẫn của TANDTC để áp dụng đúng quy định pháp luật.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của HĐTP TANDTC về xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, quy định:

2. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau:

a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tổng đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

b) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ trụ sở”. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi trụ sở mà không công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…”

Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định này, cụ thể có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: Quy định trên chỉ áp dụng đối với những vụ án dân sự, không áp dụng đối với những vụ án tranh chấp ly hôn.

Đối với vụ án Tranh chấp ly hôn, sau khi thụ lý vụ án, kết quả xác minh cho rằng bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương trước khi Toà án thụ lý vụ án thì Toà án đình chỉ giải quyết vụ án vì không tống đạt được cho bị đơn, đồng thời hướng dẫn nguyên đơn thực hiện các làm thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú và Yêu cầu tuyên bố một người mất tích theo quy định của BLTTDS. Đây là điều kiện cần và đủ để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp ly hôn.

Quan điểm thứ hai: Quy định này áp dụng cho những vụ án tranh chấp dân sự chung, bao gồm cả vụ án tranh chấp ly hôn. Khi Toà án giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn, bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương mà không báo cho người khởi kiện biết được địa chỉ thì cần phân biệt như sau:

Trường hợp xác định được nơi cư trú cuối cùng khác với nơi cư trú của bị đơn tại thời điểm đăng ký kết hôn được ghi trong giấy chứng nhận kết hôn thì Toà án xác định địa chỉ của bị đơn là nơi cư trú cuối cùng.

Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú cuối cùng của bị đơn là địa chỉ bị đơn đăng ký kết hôn được ghi trong Giấy chứng nhận kết hôn thì Toà án xác định địa chỉ của bị đơn được thể hiện trong Giấy chứng nhận kết hôn để giải quyết vụ án.

Cả hai trường hợp trên đều không cần thông qua thủ tục giải quyết việc dân sự là yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú và yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Bởi vì, tại thời điểm đăng ký kết hôn, các bên đã cung cấp địa chỉ là nơi cư trú của mình cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn, đây được hiểu là địa chỉ ghi trong giao dịch mà Nghị quyết đã nêu, việc đăng ký kết hôn, cấp Giấy chứng nhận kết hôn là một trong những sự kiện pháp lý nhằm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa hai cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác lập, khi một trong các bên thay đổi nơi cư trú nhưng không báo với chính quyền địa phương là cơ quan quản lý hoặc với người còn lại thì cũng được xem là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn. Ngoài ra, quan điểm này khi áp dụng không mất nhiều thời gian và chi phí tố tụng cho Toà án nguyên đơn.

Quan điểm của tác giải đồng ý với quan điểm thứ hai, rất mong được trao đổi, đóng góp với ý kiến bạn đọc. Trong thời gian tới, rất mong Toà án nhân dân tối cao sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề này để Toà án các cấp áp dụng đúng pháp luật.

ĐỖ XUÂN HẢI (Thư ký TAND huyện Đắk Song, Đắk Nông)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3151

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]