Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, đặc biệt đối với chủ thể bị thiệt hại. Từ việc nghiên cứu thực tiễn giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm cho thấy vẫn còn xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập bởi vẫn còn nhiều trường hợp án bị hủy, sửa do không triệu tập chủ thể bị thiệt hại hoặc chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tham gia tố tụng, việc tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự không đúng qui định pháp luật, do vận dụng chưa đúng qui định của BLDS vào việc bồi thường thiệt hại… Những nguyên nhân trên chủ yếu xuất phát từ việc Thẩm phán, Hội thẩm chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc giải quyết vấn đề dân sự, chỉ chú trọng vào việc xem xét giải quyết trách nhiệm hình sự; không đầu tư nghiên cứu những qui định của pháp luật về vấn đề dân sự. Bên cạnh đó, những bất cập trong qui định của BLTTHS 2015 và BLDS 2015 cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự. Trên cơ sở xác định nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên, bài viết đã đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.
BLTTHS 2015 không qui định cụ thể việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện ở giai đoạn nào của quá trình tố tụng mà chỉ qui định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử sơ thẩm thì cần xác định chỉ có Tòa án là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bởi vì xét xử là chức năng đặc thù của Tòa án. Bản chất của xét xử chính là việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án. Như vậy, trước khi ra bản án thì Hội đồng xét xử phải xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của chủ thể bị thiệt hại (bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan), xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể phải có nghĩa vụ bồi thường (bị cáo, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan) hay nói cách khác Hội đồng xét xử cần xem xét giải quyết trong vụ án hình sự phần trách nhiệm dân sự liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ thể có quyền yêu cầu.
Ngoài ra, khi nghiên cứu qui định của BLTTHS Liên bang Nga, BLTTHS Trung Hoa và BLTTHS Thái Lan tác giả nhận thấy rằng các BLTTHS này đều xác định rõ chủ thể có thẩm quyền trong giai đoạn này là Tòa án. Điều này tạo cơ sở pháp lí vững chắc hơn cho Tòa án khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Vì vậy, cần qui định rõ trong BLTHS 2015: “Thẩm quyền giải quyền vấn đề dân sự trong vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa án”.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Khi nghiên cứu về vấn đề này, tác giả nhận thấy đối với thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhà làm luật chưa dự trù được trường hợp vụ án hình sự giải quyết hơn 03 năm thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc trong bản án Tòa án lại tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. Lúc này, nếu áp dụng theo qui định tại Điều 588 BLDS 2015 “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm” thì thời hiệu khởi kiện của người bị thiệt hại đã không còn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. Vì vậy, theo tác giả, BLDS 2015 cần có qui định bắt đầu tính lại thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi Tòa án đình chỉ vụ án hình sự hoặc khi Tòa án tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự.
a. Trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
BLTTHS 2015 không qui định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Vì vấn đề dân sự được giải quyết đồng thời với vụ án hình sự nên có thể hiểu là việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ tuân theo trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự. Việc kiện dân sự trong vụ án hình sự có thuận lợi hơn khi việc chứng minh đó (có trường hợp chỉ là một phần) đã được cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Người có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại được sử dụng kết quả đó của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà không cần phải chứng minh mức độ thiệt hại hoặc giá trị tài sản. Đây chính là ưu điểm và đặc thù của việc giải quyết việc kiện dân sự trong vụ án hình sự.
Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật tố tụng hình sự vào việc giải quyết vấn đề dân sự cũng đã phần nào hạn chế quyền của chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi họ không được Tòa án tổ chức hòa giải để các bên tự thương lượng, thỏa thuận với nhau. Thậm chí, trong trường hợp họ tự thỏa thuận được với nhau và nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Tòa án cũng không ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này; hoặc trường hợp khi chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại muốn rút lại yêu cầu bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa thì Tòa án cũng không thể ra quyết định đình chỉ đối với việc rút lại yêu cầu này của họ. Rõ ràng, đây là vấn đề dân sự, cần tôn trọng quyền quyết định tự định đoạt của các bên; còn về phần trách nhiệm hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền giải quyết theo qui định pháp luật, không thể vì vấn đề dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự mà làm hạn chế quyền của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật này. Vì vậy, ở giai đoạn xét xử sơ thẩm cần qui định:
“Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, Tòa án có thể tổ chức hòa giải để bên yêu cầu bồi thường thiệt hại và bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tự thương lượng thỏa thuận với nhau. Trường hợp họ thỏa thuận được với nhau và sự thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Tòa án sẽ ghi nhận sự thỏa thuận của các chủ thể này vào trong bản án”.
“Khi bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án rút toàn bộ yêu cầu bồi thường của họ thì Tòa án đình chỉ yêu cầu bồi thường dân sự”.
Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử sơ thẩm lại hay việc Tòa án giám đốc thẩm, tái thẩm hủy quyết định của bản án phúc thẩm hoặc cả quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử lại từ cấp phúc thẩm hoặc từ cấp sơ thẩm thì thủ tục giải quyết sẽ theo thủ tục tố tụng dân sự hay là thủ tục tố tụng hình sự?
Theo hướng dẫn tại công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự thì Tòa án đã xét xử phúc thẩm hoặc sơ thẩm vụ án đó khi nhận lại hồ sơ vụ án phải vào sổ thụ lí loại vụ án hình sự, phân công thẩm phán chủ tọa phiên tòa và chuẩn bị việc xét xử. Như vậy, theo hướng dẫn trên thì việc thụ lí giải quyết lại phần dân sự trong vụ án hình sự được xem là vụ án hình sự. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy mục đích của việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là nhằm khắc phục kịp thời thiệt hại do tội phạm gây ra, giảm bớt gánh nặng cho người bị thiệt hại. Vì vậy, một khi mục đích này không còn tồn tại (do vấn đề trách nhiệm hình sự đã được xem xét giải quyết xong) thì cần đưa quan hệ bồi thường thiệt hại về đúng với vị trí của nó, tức là vấn đề dân sự phải được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chứ không phải là thủ tục tố tụng hình sự, có như vậy mới đảm bảo về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia tố tụng. Về vấn đề này, có thể tham khảo pháp luật của Thái Lan và Pháp, cụ thể, BLTTHS Thái Lan qui định “Việc xét xử vụ án dân sự được thực hiện theo qui định của BLTTDS”. BLTTHS Pháp cũng qui định tương tự về vấn đề này “Khi xét xử hình sự trên cơ sở quyết định khởi tố của Viện công tố, Tòa hình sự có thể quyết định các vấn đề dân sự nhưng phải áp dụng các qui định của pháp luật tố tụng dân sự”.Theo tác giả, đây là điểm tiến bộ của pháp luật nước bạn mà Việt Nam cần tham khảo đưa vào pháp luật của Việt Nam bởi vì như đã phân tích ở phần trên, khi giải quyết vấn đề dân sự mà lại hạn chế quyền quyết định tự định đoạt của đương sự thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi theo hướng:
“Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử sơ thẩm lại hay việc Tòa án giám đốc thẩm, tái thẩm hủy quyết định của bản án phúc thẩm hoặc cả quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử lại từ cấp phúc thẩm hoặc từ cấp sơ thẩm thì việc thụ lí, giải quyết phần dân sự bị hủy được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự”.
b.Việc tách vụ án dân sự ra để giải quyết riêng
Điều 30 BLTTHS 2015 qui định: “… Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự“. Theo qui định tại Điều 30 BLTTHS 2015 thì chỉ được tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đối với phần dân sự về vấn đề bồi thường, bồi hoàn, chưa bao hàm các nội dung đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt, buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng. Tuy nhiên, tại Mục 2 phần I Công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự thì vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bao gồm: đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, những tài sản đã bị mất hoặc bị hủy hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Tác giả thống nhất với với quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao, theo đó vấn đề dân sự được xem xét giải quyết trong vụ án hình sự giới hạn trong phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo qui định tại Chương XXI BLDS 2015. Vì vậy, khi tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì cũng cần xác định các vấn đề được tách là tất cả các vấn đề dân sự được xem xét giải quyết trong vụ án hình sự hay nói cách khác vấn đề dân sự được tách cũng nằm trong phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều 30 BLTTHS 2015 qui định như vậy là đã thu hẹp phạm vi các vấn đề dân sự được tách ra khỏi vụ án hình sự, do đó cần điều chỉnh theo hướng xác định các vấn đề dân sự được tách trong phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 30 BLTTHHS 2015 còn qui định về điều kiện tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự khi “chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự”. Theo hướng dẫn tại Mục 2 phần I công văn số 121/2003/KHXX của Tòa án nhân dân tối cao thì chỉ được tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự khi đảm bảo đủ ba điều kiện sau: (1) Khi có yêu cầu; (2) Nếu phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo; (3) Và thuộc một trong các trường hợp sau đây: a. Chưa tìm được, chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự; b. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu; c. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự đã có yêu cầu, nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của tòa án nói riêng; d. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự vắng mặt tại phiên tòa và sự vắng mặt của họ thật sự trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự. So với qui định tại Điều 30 BLTTHS 2015 thì công văn số 121/2003/KHXX đã qui định cụ thể hơn về các trường hợp được tách. Tuy nhiên, theo tác giả thì qui định này vẫn hạn chế quyền quyết định tự định đoạt của chủ thể bị thiệt hại. Chủ thể bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại thì đương nhiên họ cũng phải có quyền yêu cầu tách yêu cầu bồi thường của mình ra khỏi vụ án hình sự để khởi kiện trong một vụ án dân sự độc lập. Về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, khi đã xác định có hành vi phạm tội xảy ra thì phải khởi tố, điều tra, truy tố xét xử theo đúng qui trình tố tụng nhưng về trách nhiệm dân sự thì cần phải tôn trọng quyền quyết định tự định đoạt của chính chủ thể bị thiệt hại, nếu họ đã nêu ra ý kiến không yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự thì theo tác giả, Tòa án cần tôn trọng ý kiến của họ, tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự mà không cần thêm bất cứ điều kiện nào khác./.
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án