12/12/2023 17:05

Giải quyết tranh chấp đầu tư kinh doanh: Tòa án hay trọng tài?

Giải quyết tranh chấp đầu tư kinh doanh: Tòa án hay trọng tài?

Cho tôi hỏi khi hoạt động đầu tư kinh doanh xảy ra tranh chấp thì Tòa án hay trọng tài có thẩm quyền giải quyết? Thu Thủy – Hà Nội.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Giải quyết tranh chấp đầu tư kinh doanh: Tòa án hay trọng tài?

Theo quy định tại Điều 14 Luật Đầu tư 2020 về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh như sau:

- Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 14 Luật Đầu tư 2020.

Do đó, khi có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam xảy ra tranh chấp thì các bên sẽ giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Nếu các bên không thể tìm được tiếng nói chung thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.

- Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư 2020.

- Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:

+ Tòa án Việt Nam;

+ Trọng tài Việt Nam;

+ Trọng tài nước ngoài;

+ Trọng tài quốc tế;

+ Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.

Bên cạnh đó, đối với tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Như vậy, khi các bên trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam bị xâm phạm lợi ích, xảy ra xung đột, tranh chấp thì các bên có thể giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải.

Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.

2. Quy định về biện pháp bảo đảm đối với hoạt động đầu tư kinh doanh

Theo quy định tại Điều 11 Luật Đầu tư 2020 về bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh như sau:

- Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:

+ Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;

+ Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;

+  Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;

+ Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;

+ Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;

+ Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;

+ Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các hình thức bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về bảo đảm quyền sở hữu tài sản trong hoạt động kinh doanh đầu tư:

- Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

- Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
886

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]