1. Quy định của pháp luật
Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực (khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo năm 2018).
Bộ luật tố tụng dân sự ( BLTTDS) năm 2015, Luật tố tụng hành chính (LTTHC) năm 2015 cũng quy định về trình tự, thủ tục của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm phạm pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Tại Chương II: Những nguyên tắc cơ bản (Điều 25 của BLTTDS năm 2015) và tại Chương I: Những quy định chung (Điều 28 LTTHC năm 2015) về cơ bản là giống nhau, theo đó quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong hoạt động tố tụng dân sự.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người đã khiếu nại, tố cáo”.
BLTTDS năm 2015 quy định tại Chương XLI: Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, gồm: 17 điều (Từ điều 499 đến điều 515), trong đó quy định về tố cáo có 8 điều (Từ điều 509 đến điều 514). Còn đối với LTTHC năm 2015 quy định tại Chương XXI: Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính, gồm: 17 điều (Từ điều 327 đến điều 343), trong đó quy định về tố cáo có 07 điều (Từ điều 337 đến điều 343).
Theo quy định tại Điều 590 BLTTDS năm 2015 và Điều 337 LTTHC năm 2015, thì: Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Để đảm bảo an toàn cho người tố cáo tránh lạm dụng việc tố cáo sai sự thật, vu khống người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng dân sự đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi người dân thực hiện quyền tố cáo, pháp luật đã quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người tố cáo. Theo quy định tại Điều 510 BLTTDS năm 2015 và Điều 338 LTTHC năm 2015, người tố cáo có các quyền và nghĩa vụ sau: Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù và có nghĩa vụ: Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
Đối với người bị tố cáo trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, đây là người được Nhà nước giao trách nhiệm tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Để tránh làm oan người bị tố cáo, đồng thời bảo đảm dân chủ, công khai trong việc giải quyết tố cáo, tại Điều 511 BLTTDS năm 2015 và Điều 339 LTTHC năm 2015 đã quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người bị tố cáo sau: Được thông báo về nội dung tố cáo; Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; Được khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật; Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lí của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Bồi thường thiệt hại, hoàn trả hoặc khắc phục hậu quả do hành vi tố tụng dân sự trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 512 BLTTDS năm 2015 và Điều 340 LTTHC năm 2015: Nguyên tắc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan có thẩm quyền nào thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Trong trường hợp người bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.
Về thời hạn giải quyết tố cáo trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là khác nhau, theo đó: Trong tố tụng dân sự thì thời hạn giải quyết tố cáo quy định bằng tháng, cụ thể: Không quá 2 tháng kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tổ cáo có thể dài hơn nhưng không quá 3 tháng. Riêng đối với tố tụng hành chính thì thời hạn giải quyết tố cáo được quy định bằng ngày; cụ thể: 60 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.
Thủ tục giải quyết tố cáo theo quy định tại Điều 513 BLTTDS năm 2015 và Điều 341 LTTHC năm 2015, cơ bản là giống nhau, theo đó: Thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 514 BLTTDS năm 2015, Điều 342 LTTHC năm 2015) quy định: Để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 14 Luật Tố cáo năm 2018, quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong TAND:
“ 1. Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:
a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, công chức khác do mình quản lý trực tiếp;
b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện.
3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.
4. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền sau đây:
a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức khác do mình quản lý trực tiếp;
b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp, của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.
Điều 21 Luật Tố cáo năm 2018, quy định: “Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức :
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đó trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.”
Tại khoản 1 Điều 22 của Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 28/6/2020 của Chánh án TANDTC quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND, nêu về thẩm quyền giải quyết tố cáo:
“1. Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm của các cơ quan, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân; hành vi vi phạm của công chức hoặc người không phải là công chức do mình trực tiếp quản lý được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định tại Điều 14 và Điều 21 của Luật Tố cáo.
2. ………………..”
Đối với Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong tố tụng dân và tố tụng hành chính về cơ bản giống nhau, tại Điều 515 BLTTDS năm 2015 và Điều 343 LTTHC năm 2015 đều quy định: Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật. Quy định nêu trên được hiểu trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính nếu có khiếu nại, tố cáo những người tiến hành tố tụng trong vụ án thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Bất cập trong quy định
Mặc dù, BLTTDS năm 2015, LTTHC năm 2015; Luật Tố cáo năm 2018 và các Văn bản hướng dẫn của hệ thống Tòa án đã có hướng quy định, hướng dẫn về việc thụ lý, tố cáo trong các vụ án dân sự, hành chính trong đó có việc giải quyết tố cáo Thẩm phán là Phó Chánh án, Chánh án ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) hoặc Thẩm phán ban hành quyết định ADBPKCTT, có khiếu nại sau đó Chánh án ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại về việc Thẩm phán ban hành Quyết định ADBPKCTT. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều Tòa án nhân dân địa phương vẫn còn lúng túng trong việc thụ lý, giải quyết các tố cáo về việc áp dụng BPKCTT của Thẩm phán là Phó Chánh án, Chánh án hoặc Quyết định của Chánh án trong việc giải quyết khiếu nại do Thẩm phán ban hành Quyết định ADBPKCTT, dưới đây là một vụ việc cụ thể.
Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến đầu năm 2019 ông B có vay của ông A số tiền 2 tỷ 100 triệu đồng bằng 4 hợp đồng vay tiền. Do ông B không có tiền để trả nợ, nên vào ngày 10/4/2019 ông A khởi kiện yêu cầu TAND thành phố P, tỉnh G giải quyết buộc ông B và bà T ( Bà T với ông B trước đây là vợ chồng) phải trả cho ông A cùng vợ là bà H số tiền gốc 2 tỷ 100 triệu đồng và tiền lãi với mức lãi 10%/năm phát sinh từ vay cho đến ngày xét xử, giải quyết vụ án, đồng thời yêu cầu tuyên bố “Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng” lập ngày 19/3/2019 giữa ông B và bà T là giao dịch vô hiệu. Kèm theo đơn kiện ông A có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” theo quy định tại Điều 127 BLTTDS, theo đó cấm bà T thực hiện các hành vi liên quan đến việc giao dịch đối với tài sản là nhà và đất tọa lạc tại địa chỉ 33 đường Hoàng Văn, tổ 2, phường I, thành phố P, tỉnh G.
Cùng ngày 10/4/2019, TAND thành phố P, tỉnh G ra Quyết định áp dụng BPKCTT số 02/2019/QĐ-BPKCTT “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” đối với nhà và đất của bà tại số nhà 33 Hoàng Văn, phường I, thành phố P, tỉnh G; nội dung cụ thể: “Cấm chị T thực hiện các hành vi liên quan đến việc giao dịch đối với tài sản là nhà và đất tọa lạc tại địa chỉ 33 Hoàng Văn, tổ 2, phường I, thành phố P, tỉnh G”.
Bà T đã khiếu nại Quyết định nêu trên, đến ngày 25/4/2019 Chánh án TAND thành phố P, tỉnh G đã căn cứ các Điều 111, 127, 133, 136, 140 và 141 của BLTTDS ra Quyết định số 02/QĐ-TA với nội dung: “Không chấp nhận khiếu nại của bà T đối với Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2019/QĐ-BPKCTT ngày 10-4-2019 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh G”.
Theo Quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 112/2019/QĐST-HNGĐ ngày 27/3/2019 của TAND thành phố P, tỉnh G thể hiện: Bà T với ông B đã thuận tình ly hôn và giải quyết con chung; đối với phần tài sản chung và nghĩa vụ chung: Các đương sự tự thỏa thuận, trong đó có tài sản là nhà và đất tọa lạc tại địa chỉ 33 Hoàng Văn, tổ 2, phường I, thành phố P, tỉnh G theo Giấy chứng nhận QSD đất số BĐ 297.... do UBND thành phố P cấp cho ông B, bà T đã được chỉnh lý trang 4 “Chuyển quyền sở hữu tài sản” mang tên một mình bà T vào ngày 26/3/2019, việc chỉnh lý này trước khi TAND thành phố P, tỉnh G ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2019/QĐ-BPKCTT ngày 10/4/2019 là 15 ngày (Từ ngày 26/3/2019 đến ngày 10/4/2019).
Tại Thông báo về việc thụ lý vụ án số 105/TB-TLVA ngày 09/4/20219 của TAND thành phố P, tỉnh G thì Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự về việc “Tranh chấp về hợp đồng dân sự vay tài sản và yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”. Trong đó, xác định: Nguyên đơn là ông A, bị đơn là ông B và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà H (vợ ông A), bà T (Trước đây là vợ ông B); Các đương sự trong vụ án trên không thể hiện đang tranh chấp về tài sản. Tại đoạn 1 điểm 2.1 mục 2 của Phụ lục kèm theo Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chánh án TANDTC thì đối với tài sản không có tranh chấp, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ nếu đương sự có yêu cầu và việc áp dụng này là có căn cứ.
Nếu trong trường hợp tài sản đang tranh chấp và việc Tòa án cấm bà T thực hiện các hành vi liên quan đến giao dịch nhà ở và đất, là cấm bà T “Chuyển dịch quyền về tài sản” thì Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp (Điều 121 BLTTDS) và phải buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. (Điểm 2.5 mục 2 của Phụ lục kèm theo Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chánh án TANDTC).
Mặc khác, tại Điều 117 Luật Nhà ở năm 2014, quy định: Các hình thức giao dịch về nhà ở: “Giao dịch về nhà ở bao gồm các hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ và ủy quyền quản lý nhà ở”. Việc Thẩm phán ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên đã bao gồm tất cả các hình thức giao dịch về nhà ở được quy định trong Luật nhà ở năm 2014 là quá rộng, trong khi đó giá trị tài sản nhà ở, đất “lớn gấp nhiều lần” so với yêu cầu trong đơn “Đơn khởi kiện” mà Tòa án đang thụ lý, giải quyết. (Theo Chứng thư thẩm định giá do cơ quan, tổ chức X thực hiện thì giá trị tài sản nhà và đất mà Tòa án áp dụng BPKCTT có trị giá hơn 13 tỷ 200 triệu đồng).
Vì vậy, việc TAND thành phố P, tỉnh G áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” quy định tại Điều 127 BLTTDS để ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2019/QĐ-BPKCTT ngày 10/4/2019 là không đúng quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của BLTTDS.
Từ những nhận định trên, ngày 28/2/2020, Chánh án TAND tỉnh G, đã ban hành Kết luận số 95/KL – CA, với nội dung: “Bà T tố cáo ông Chánh án và bà Thẩm phán là đúng một phần; Cụ thể:
TAND thành phố P, tỉnh G đã căn cứ vào “Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ông A” để ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2019/QĐ-BPKCTT ngày 10-4-2019 là đúng trình tự, thẩm quyền ban hành theo quy định tại Điều 133 của BLTTDS.
Tuy nhiên, về nội dung TAND thành phố P đã căn cứ vào Điều 127 của BLTTDS để ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” là không đúng quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của BLTTDS năm 2015. Bởi vì “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 02/2019/QĐ-BPKCTT ngày 10/4/2019 là cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định theo quy định tại Điều 127 BLTTDS năm 2015, nhưng tại phần Quyết định lại ghi cấm bà B chuyển dịch quyền tài sản là không phù hợp với quy định tại Điều luật trên; hơn nữa, việc cấm chuyển dịch về tài sản, thì buộc ông A phải gửi tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 136 BLTTDS năm 2015.”
Sau khi nhận được Kết luận của TAND tỉnh G, ông A khiếu nại Kết luận nêu trên, hiện nay có ba quan điểm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc TAND tỉnh G thụ lý và ban hành Kết luận giải quyết tố cáo là đúng quy định tại khoản 1, 2 Điều 512 BLTTDS và đúng tinh thần Điều 14 Luật Tố cáo và khoản 1 Điều 22 Thông tư số của Chánh án TANDTC.
Tại khoản 1, 2 Điều 512 BLTTDS quy định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo: “1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan có thẩm quyền nào thì người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết”.
Tại khoản 2 của Điều 14 Luật Tố cáo năm 2018 quy định, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong TAND: Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp huyện.
Khoản 1 Điều 22 Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 28/6/2020 của Chánh án TANDTC, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND, về thẩm quyền giải quyết tố cáo: “1. Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm của các cơ quan, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân; hành vi vi phạm của công chức hoặc người không phải là công chức do mình trực tiếp quản lý được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định tại Điều 14 và Điều 21 của Luật Tố cáo”.
Quan điểm thứ hai cho rằng: TAND tỉnh G không được thụ lý và giải quyết tố cáo vì thực chất trong trường hợp này là khiếu nại Quyết định BPKCTT, việc xem xét giải quyết được thực hiện theo quy định điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo “Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật”. Do đó, nếu người tố cáo không cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ mới để đáp ứng điều kiện thụ lý tố cáo thì không thụ lý, ban hành kết luận giải quyết tố cao. Trong trường hợp nêu ở trên thì Chánh án TANDCC tại Đ sẽ ban hành Kết luận giải quyết tố cáo của Chánh án TAND tỉnh G.
Câu hỏi được đặt ra là liệu Chánh án TANDCC tại Đ có thẩm quyền ban hành Kết luận giải quyết tố cáo đối với Chánh án TAND tỉnh G hay không ?.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Trong trường hợp nếu TAND tỉnh G đã thụ lý và giải quyết tố cáo và ban hành Kết luận giải quyết tố cao, nếu nhận thấy kết luận của Chánh án TANDTC tỉnh G sai, thì Chánh án TANDTC mới có quyền thụ lý, giải quyết tố cáo. Chánh án TANDCC tại Đ không có thẩm quyền thụ lý và ban hành Kết luận giải quyết tố cáo. Bởi vì, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 14 Luật Tố cáo quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo thì Chánh án TANDCC có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp; Chánh án TANDTC có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của Chánh án, Phó Chánh án TANDCC; Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp tỉnh. Điều này cũng phù hợp với khoản 1 Điều 22 của Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 28/6/2020 của Chánh án TANDTC “Quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân” về thẩm quyền giải quyết tố cáo.
3. Nguyên nhân và kiến nghị
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong BLTTDS, LTTHC đều được quy định thành một Chương riêng biệt. Theo đó, tại Chương VIII của BLTTDS (Từ điều 111 đến điều 142), Chương V của Luật TTHC (Từ điều 66 đến điều 77). Để thực hiện BLTTDS thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 “Hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự”, Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30/12/2019 của Chánh án TANDTC “Về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự”.
Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn còn nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hiểu khác nhau, nên dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong áp dụng BPKCTT tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Không ít vụ án Thẩm phán đã ban hành áp dụng BPKCTT sai điều luật, sai nội dung… dẫn đến đương sự khiếu nại đến Chánh án và Chánh án Tòa án đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của đương sự về việc Thẩm phán ra Quyết định áp dụng BPKCTT; sau đó đương sự lại tiếp tục tố cáo đến Chánh án Tòa án cấp trên cho rằng Thẩm phán ra Quyết định áp dụng BPKCTT sai, Chánh án có hành vi bao che cho Thẩm phán nên ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại việc ADBPKCTT trái pháp luật, như ví dụ đã viện dẫn nêu trên.
Theo quan điểm cá nhân của tác giả, để giải quyết “Đơn tố cáo” của cá nhân, tổ chức khi bị áp dụng BPKCTT một cách kịp thời, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại xảy ra, gây bức xúc cho cá nhân, tổ chức khi Thẩm phán ban hành quyết định ADBPKCTT và sớm giải quyết các sai phạm của Thẩm phán, Chánh án (nếu có), nên chăng cần có quy định, hướng dẫn cụ thể: Sau khi nhận được “Đơn tố cáo” của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…. về việc Thẩm phán ban hành quyết định ADPKCTT và Chánh án ban hành Quyết định giải quyết việc ADBPKC tạm thời của Thẩm phán trái pháp luật thì Chánh án Tòa án cấp trên nên thụ lý, giải quyết tố cáo. Trong quá trình thụ lý, giải quyết tố cáo sẽ xảy ra 2 trường hợp:
Nếu “Đơn tố cáo” của đương sự không đúng, thì Chánh án Tòa cấp trên sẽ căn cứ vào Điều 34 Luật Tố cáo năm 2018“Đình chỉ việc giải quyết tố cáo”, phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật Tố cáo, Điều 512 BLTTDS, Điều 340 LTTHC và Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 28/6/2020 của Chánh án TANDTC.
Nếu “Đơn tố cáo” có cơ sở thì Chánh án Tòa án cấp trên nên tiếp tục giải quyết tố cáo và ban hành Kết luận giải quyết tố cáo, nếu đương sự tiếp tục khiếu nại Kết luận tố cáo của Chánh án Tòa án cấp tỉnh thì Chánh án TANDTC sẽ giải quyết cuối cùng, phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều 14 Luật Tố cáo, Điều 512 BLTTDS, Điều 340 LTTHC và Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 28/6/2020 của Chánh án TANDTC.
Chính điều đó mới đảm bảo tính công bằng, dân chủ, khách quan và đúng tinh thần được quy định trong BLTTDS, LTTHC và Hiến pháp. Mặc dù, Chánh án TANDTC đã có Văn bản số 50/TANDTC-PC ngày 20/4/2021 “Về việc giải quyết đơn tố cáo” cũng như có một số văn bản trả lời hướng dẫn một số vụ việc cụ thể khi các Tòa án nhân dân địa phương xin ý kiến trao đổi, nhưng vấn đề thụ lý, tố cáo hiện nay vẫn còn đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Chúng ta không nên hiểu rằng, chờ đến khi thiệt hại xảy ra thì Tòa án cấp trên một cấp (phúc thẩm) mới can thiệp, giải quyết việc áp dụng BPKCTT của cấp dưới (sơ thẩm). Vì thực tế hiện nay nhiều vụ án kéo dài, có thể hàng chục năm cấp sơ thẩm vẫn chưa giải quyết xong mà việc áp dụng BPKCTT rõ ràng là có căn cứ trái pháp luật, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ….Vậy ai phải chịu thiệt hại và không lẽ đương sự phải chờ từng ấy năm để rồi “Khởi kiện bằng một vụ án dân sự” để yêu cầu đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT hoặc Thẩm phán ban hành Quyết định ADBPKCTT sai phải bồi thường thiệt hại. Lúc đó, người yêu cầu cũng như người ban hành và giải quyết khiếu nại Quyết định ADBPKCTT có thể đã chết, về hưu hoặc chuyển công tác khác…
Với mong muốn để thực tiễn thụ lý, giải quyết tố cáo được thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, rất mong TANDTC phối hợp với VKSNDTC có Thông tư hướng dẫn Chương XXI: “Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính” và Chương XLI: “Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự”.
Nguồn: Tạp chí Tòa án