Điển hình, tại Bản án 06/2019/HNGĐ-ST ngày 24/01/2019 của Tòa án nhân dân thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm về ly hôn, tranh chấp nuôi con giữa bà Nguyễn Ngọc B và ông Trương Tấn B.
Bà Nguyễn Ngọc B kết hôn với ông Trương Tấn B trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn. Ông Trương Tấn B phát bệnh và não bị tổn thương, đi đứng nhận thức không rõ ràng. Tòa án nhân dân thị xã T ban hành bản án số 10/2018/QĐDS-ST tuyên bố ông Trương Tấn B mất năng lực hành vi dân sự. Bà Nguyễn Ngọc B khởi kiện yêu cầu được ly hôn với ông Trương Tấn B với lý do: Ông Trương Tấn B mất năng lực hành vi dân sự nên tình cảm vợ chồng không còn.
Tòa án nhân dân thị xã Thuận An đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Ngọc B đối với ông Trương Tấn B. Bà Nguyễn Ngọc B được ly hôn với ông Trương Tấn B.
Đối chiếu với quy định của pháp luật hôn nhân gia đình tại điều 24, cụ thể:
Điều 24. Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng
1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.
Khoản 3 Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“…Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.”
Việc Tòa án chỉ định người đại diện quy định tại Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS): “Trong khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 của bộ luật này thì tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng tại tòa án”. Do đó, người thay mặt bị đơn tham gia giải quyết việc ly hôn trong trường hợp này do tòa án quyết định.
Thông thường, vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự. Nhưng khi ly hôn, vợ hoặc chồng không thể đại diện cho bên còn lại khi người kia bị mất năng lực hành vi dân sự, bởi có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Khi có đơn xin ly hôn, Tòa án sẽ chỉ định người đại diện.
Như vậy, khi một bên bị mất năng lực hành vi dân sự, người còn lại vẫn có thể yêu cầu Tòa án cho ly hôn. Tuy nhiên trong trường hợp chưa có quyết định tuyên bố mất năng lực hành sự của Tòa án, thì trước tiên nguyên đơn phải làm thủ tục đề nghị Tòa án tuyên bị đơn là người mất năng lực hành vi dân sự. Sau đó mới làm đơn xin ly hôn gửi lên tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Điểm khác biệt của vụ án ly hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự là sau khi thụ lý, tòa án sẽ tiến hành đưa vụ án ra xét xử mà không qua thủ tục hòa giải như các vụ án ly hôn thông thường theo Khoản 3 Điều 207 BLTTDS.