14/08/2023 17:04

Giải đáp vướng mắc về chính sách thuế đối với hoạt động khuyến mại và vay vốn

Giải đáp vướng mắc về chính sách thuế đối với hoạt động khuyến mại và vay vốn

Công ty bán hàng hóa (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa dùng để khuyến mại) thì công ty phải lập hóa đơn để giao cho người mua như thế nào? Gia Hân – Đà Nẵng.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 11/8/2023, Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành Công văn 58596/CTHN-TTHT về chính sách thuế đối với hoạt động khuyến mại và vay vốn như sau:

1. Chính sách thuế đối với hoạt động khuyến mại

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này…

Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC về giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ như sau:

Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho…

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

- Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

+ Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng…

- Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

+ Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này…

Căn cứ các quy định trên:

- Trường hợp Công ty bán hàng hóa (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa dùng để khuyến mại) thì công ty phải lập hóa đơn để giao cho người mua theo quy định tại Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

- Trường hợp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại thì giá tính thuế GTGT được xác định bằng không (0). Trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

- Về việc xác định việc trả hàng khuyến mại sau khi kết thúc chương trình khuyến mãi thì Công ty liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn. Trên cơ sở đó, Công ty xác định giá tính thuế GTGT đối với hàng trả khuyến mại phù hợp, đúng quy định hướng dẫn tại khoản 5 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

- Các khoản chi khuyến mại được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.

2. Chính sách thuế đối với hoạt động vay vốn từ Ngân hàng thương mại

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP về phạm vi điều chỉnh đối với quy định quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá…

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP về các bên có quan hệ liên kết:

- Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

+ Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

+ Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

- Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:

+ Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay…

Như vậy, trường hợp Công ty đi vay phát sinh khoản vốn vay chiếm ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của Công ty thì Công ty thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Đồng thời, tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ của Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC còn phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Phần chi phí lãi vay không được trừ chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
1157

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]