10/07/2020 14:19

Giải đáp một số vướng mắc thường gặp trong Tố tụng hình sự

Giải đáp một số vướng mắc thường gặp trong Tố tụng hình sự

Tại Công văn bản số 89/TANDTC-PC, ngày 30 tháng 6 năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao đã thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành chính và dân sự. Trong phạm vi bài này, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử giới thiệu những vướng mắc trong tố tụng hình sự

Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện nhưng khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự được thực hiện như thế nào?

Về vấn đề này, trước đây đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tuy nhiên hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có thay đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Do đó, trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.

Căn cứ khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự về giới hạn xét xử: Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về 01 tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết nếu Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử tội danh nặng hơn. Tuy nhiên, đối với các tội phạm khác nhau về khách thể thì có được áp dụng quy định trên không?

Ví dụ: Trong vụ án hình sự có 02 bị cáo, bị cáo A bị Viện kiểm sát truy tố về tội: “Che dấu tội phạm”, bị cáo B bị truy tố về tội: “Giết người”. Tòa án nhận thấy bị cáo A có dấu hiệu phạm tội: “Giết người” với vai trò đồng phạm. Tòa án tiến hành trả hồ sơ để viện kiểm sát truy tố lại nhưng Viện kiểm sát không thực hiện. Vậy, Tòa án xét xử bị cáo A về tội gì?

Khoản 3 Điều 298 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn, quy định này được hiểu là bất kể tội danh gì mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm nếu hành vi phạm tội của bị cáo có đủ căn cứ kết tội họ. Do đó, trường hợp này Tòa án có thể xét xử tội danh nặng hơn đối với các tội phạm khác nhau về khách thể như nêu trên. Tuy nhiên, các Tòa án cần lưu ý bảo đảm quyền bào chữa, thành phần Hội đồng xét xử và các quy định khác theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong vụ án hình sự, có bị can, bị cáo đang thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước hoặc có bị can, bị cáo đang thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, khi trích xuất bị can, bị cáo để phục vụ việc xét xử Tòa án có phải ra Quyết định tạm giam để làm căn cứ trích xuất được bị cáo đến phiên tòa không? (Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 30-5-2013 và Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23-01-2018 không nêu rõ trường hợp này).

– Đối với bị can, bị cáo đang thi hành án hình phạt tù ở một vụ án trước thì không ra quyết định tạm giam mà chỉ ra quyết định trích xuất để phục vụ công tác xét xử vụ án. Vì không có căn cứ tạm giam theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện nay, liên ngành trung ương đang soạn thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 04 nêu trên, trong đó đã hướng dẫn trường hợp này khi phạm nhân được trích xuất phục vụ điều tra, truy tố, xét xử thì chế độ quản lý giam giữ, chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với phạm nhân được thực hiện theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Đối với bị can, bị cáo đang thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Tòa án có thể yêu cầu Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đó theo quy định tại Điều 117 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Sau đó, tùy trường hợp căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để xem xét áp dụng biện pháp tạm giam hay biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can, bị cáo đó.

Viện kiểm sát rút một phần truy tố tại phiên tòa thì bản án có phải xem xét, đánh giá tính có căn cứ của việc rút truy tố của Viện kiểm sát hay không?

Về vấn đề này, trước đây Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8-12-1988 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự” và Công văn số 328/NCPL ngày 22-6-1993 của Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có thay đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Do đó, nếu tại phiên toà, sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một tội hoặc một số tội và giữ nguyên quyết định truy tố đối với các tội khác hay Kiểm sát viên chỉ rút quyết định truy tố đối với một hoặc một số các bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo hoặc các bị cáo còn lại thì đây là các trường hợp Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố. Vì vậy trong trường hợp này, Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút truy tố đó. Căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận được ghi trong bản án.

Sau khi Tòa án tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật, chưa có quyết định thi hành án thì người được hưởng án treo không có mặt tại nơi cư trú hoặc vi phạm nội quy, quy chế tại nơi cư trú có được xác định là vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án hình sự hay không?

Trường hợp này xác định là vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án hình sự. Vì thời gian thử thách của người được hưởng án treo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm và căn cứ vào khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự để xử lý.

Người được Tòa án quyết định hoãn chấp hành án phạt tù (đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc mang thai), chưa hết thời gian hoãn nhưng người bị kết án tự nguyện xin đi chấp hành án thì cơ quan có thẩm quyền có chấp nhận không?

Trường hợp này, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù phải có đơn gửi Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù để Chánh án ra quyết định thi hành án trong đó có ghi rõ nội dung quyết định này thay thế quyết định hoãn chấp hành án phạt tù.

Nguồn: Tạp chí Tòa án

5236

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]