21/09/2021 14:29

Giá trị pháp lý của chứng cứ ghi âm trong tố tụng dân sự - Góc nhìn từ một vụ án

Giá trị pháp lý của chứng cứ ghi âm trong tố tụng dân sự - Góc nhìn từ một vụ án

Thực tế, khi giải quyết các tranh chấp dân sự thì đường lối xét xử vẫn ưu tiên các chứng cứ dễ chứng minh là văn bản, tài liệu được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại cũng đã có nhiều tranh chấp dân sự Tòa án đã chấp nhận chứng cứ nghe được, nhìn được làm cơ sở để giải quyết vụ án.

Ngày nay, các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực dân sự có xu hướng tăng về số lượng và tính chất ngày càng phức tạp. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và thương mại điện tử, tài liệu nghe được, nhìn được cũng đóng vai trò là chứng cứ quan trọng trong tố tụng tại Tòa án, góp phần tìm ra sự thật khách quan và giải quyết vụ án đúng đắn. Thực tế, khi giải quyết các tranh chấp dân sự thì đường lối xét xử vẫn ưu tiên các chứng cứ dễ chứng minh là văn bản, tài liệu được công chứng, chứng thực. Trường hợp vụ án có các chứng cứ là tài liệu nghe được, nhìn được thì các chứng cứ này thông thường được xem xét với tính chất hỗ trợ cho các chứng cứ khác nếu phù hợp, rất hiếm khi các chứng cứ này được sử dụng độc lập. Việc Tòa án không chấp nhận các chứng cứ nghe được, nhìn được có tính độc lập và có giá trị pháp lý như văn bản viết hoặc các chứng cứ khác sẽ làm ảnh hưởng tới quyền của các cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại cũng đã có nhiều tranh chấp dân sự Tòa án đã chấp nhận chứng cứ nghe được, nhìn được làm cơ sở để giải quyết vụ án. Xin dẫn chứng và bình buận vụ án sau để thấy rõ vấn đề này.

1.Tóm tắt vụ án

Ngày 24/10/2011, vợ chồng bà Đẹp có vay của vợ chồng bà Tâm số tiền 170.000.000 đồng, lãi suất 06%/tháng, hai bên có lập giấy viết tay. Vợ chồng bà Đẹp đã thế chấp cho bà Tâm thửa đất số 166, 167, tờ bản đồ số 7 tọa lạc tại xã R, huyện Đ tỉnh L; giấy tờ do bà Tâm giữ. Bà Tâm yêu cầu ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích 2.213m2 của hai thửa đất nêu trên để làm tin, khi gia đình bà Đẹp trả tiền sẽ hủy hợp đồng này. Hiện gia đình bà Đẹp vẫn sử dụng canh tác thửa đất này. Tháng 11/2015, bà Tâm thông báo đã đăng ký quyền sử dụng đối với hai thửa đất số 166 và 167; vợ chồng bà Đẹp đã thương lượng để chuộc lại hai thửa đất nhưng bà Tâm không đồng ý.

Ngày 31/3/2016, phía bà Đẹp đã ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà Đẹp và bà Tâm với nội dung vợ chồng bà Đẹp vay tiền của bà Tâm và lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm tin. Bà Đẹp khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng ngày 24/11/2011 vô hiệu; đồng thời yêu cầu hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Tâm đối với phần đất tranh chấp thuộc thửa 166 và 167 nêu trên và yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng bị vô hiệu.

Bị đơn là bà Tâm cho rằng ngày 24/11/2011, vợ chồng bà Đẹp chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 166 và 167 diện tích 2.213m2 cho vợ chồng bà Tâm với giá 200.000.000 đồng. Năm 2015, bà Tâm đăng ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được chỉnh lý biến động sang tên bà Tâm ngày 29/10/2015. Do đó, bị đơn không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tòa án nhận định: Việc các đương sự lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi giá 200.000.000 đồng là không phù hợp với giá đất tại địa phương. Dựa vào Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát, lời đối thoại của bà Tâm và xem xét giá đất tại địa phương thời điểm chuyển nhượng thì 2.213m2 đất giá khoảng 500.000.000 đồng nên việc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập giữa hai bên là hợp đồng giả tạo, che giấu một giao dịch khác. Do đó, có cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 24/11/2011 vô hiệu. Từ đó, Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 23/02/2018, TAND tỉnh L đã quyết định: (1) Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu. (2) Hủy phần chỉnh lý biến động trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bà Đẹp sang bà Tâm. (3) Buộc nguyên đơn có nghĩa vụ hoàn trả cho bị đơn 200.000.000 đồng tiền nợ gốc đã vay và 151.940.000 đồng tiền lãi, tổng cộng là 351.940.000 đồng. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 386/2018/DS-PT ngày 14/12/2018, TANDCC H quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

2.Bình luận

Tác giả cho rằng quyết định của bản án dân sự sơ thẩm và bản án dân sự phúc thẩm là chính xác, bởi lẽ: Thực tế, sau khi lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất gia đình nguyên đơn vẫn sử dụng, canh tác các thửa đất này. Đồng thời, thông qua ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà Đẹp và bà Tâm thể hiện vợ chồng bà Đẹp vay tiền của bà Tâm nên đã lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm tin. Băng ghi âm chính là chứng cứ quan trọng của vụ án để xác định thực tế tồn tại giao dịch vay tài sản được che giấu bằng giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Nói cách khác, trong vụ án này, đoạn băng ghi âm do phía nguyên đơn cung cấp là tài liệu nghe được và đã được giám định bởi cơ quan có thẩm quyền, đây không phải là tài liệu có giá trị tham khảo mà được Tòa án xác định là chứng cứ trong vụ án, có giá trị chứng minh để tìm ra sự thật khách quan.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng là hợp đồng giả tạo để che giấu hợp đồng vay được thiết lập giữa các bên và số tiền 200.000.000 đồng thể hiện trong mục giá chuyển nhượng của Hợp đồng là tiền vay nợ của vợ chồng bà Đẹp với bà Tâm là có căn cứ. Quá trình giải quyết, bà Đẹp chấp nhận đã vay của bà Tâm số tiền gốc là 200.000.000 đồng như giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng và đồng ý trả tiền lãi từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng đến nay. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 24/11/2011 vô hiệu; đồng thời hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng của bà Tâm đối với phần đất tranh chấp nêu trên và giải quyết hậu quả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị vô hiệu là đúng.

3.Cơ sở pháp lý về chứng cứ ghi âm và một số kiến nghị

Tại Điều 93 BLTTDS năm 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân và cơ quan, tổ chức cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án dùng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

Nguồn chứng cứ được xác định theo Điều 94 BLTTDS 2015: “Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau: 1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; 2. Vật chứng; 3. Lời khai của đương sự; 4. Lời khai của người làm chứng; 5. Kết luận giám định; 6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; 7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; 8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng thành lập; 9. Văn bản công chứng, chứng thực; 10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”.

Đồng thời, tại Điều 95 về xác định chứng cứ quy định:

“2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa”.

Quy định về nguồn chứng cứ là một trong những điểm mới đáng lưu ý của BLTTDS năm 2015. Trước đây, tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn xác định chứng cứ theo quy định tại Điều 83 BLDS 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2011: “b) Các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh,… Nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên, thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ.

Ví dụ 1: Trong vụ tai nạn giao thông, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp băng ghi hình về hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi hình đó, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải xuất trình cho Toà án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó.

Ví dụ 2: Ông A cho ông B vay năm triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thoả thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ, ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Toà án. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó”.

Tài liệu nghe được, nhìn được được công nhận giá trị pháp lý như văn bản nên khi thu thập, đánh giá chứng cứ cần sự vận dụng nhiều quy phạm trong các điều luật, luật khác nhau để xác định tính hợp pháp của các chứng cứ này. BLTTDS 2015 có sự kế thừa, tiếp thu quy định của Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể, gây lúng túng cho cơ quan tố tụng trong việc đánh giá, công nhận chứng cứ nghe được, nhìn được trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

Như vậy, chứng cứ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, tuy nhiên quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này vẫn còn những bất cập. Do đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về quy trình thu thập chứng cứ, căn cứ xác minh tính chính xác và lưu giữ những chứng cứ là tài liệu nghe được, nhìn được làm cơ sở hợp pháp để chứng minh cho các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

Thứ hai, ngày nay việc thu thập, xác minh, đánh giá chứng cứ đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải am hiểu và biết cách sử dụng các kỹ năng cần thiết mới có thể thu thập được đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ để giải quyết vụ án. Do đó, những người tiến hành tố tụng cần nâng cao kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin (am hiểu nhất định về đối tượng đang được khai thác), kỹ năng sử dụng các phương tiện điện tử.

Thứ ba, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-TANDTC ngày 10/8/2020 phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại tại TAND. Từ đó thấy rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế cũng như để đáp ứng nhu cầu thực tế về giải quyết tranh chấp dân sự, cần thiết phải có những tổng kết khoa học và thực tiễn về thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ trong các vụ án dân sự, tham khảo kinh nghiệm pháp luật quốc tế nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về tố tụng dân sự, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự và tương trợ tư pháp.

ThS CHU THƠM (Vụ Giám đốc Kiểm tra 2 TANDTC)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

2452

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]