27/08/2020 16:17

Gây rối tại phiên Tòa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Gây rối tại phiên Tòa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Bản án, quyết định của tòa án là phán quyết sau cùng đánh dấu sự kết thúc của quá trình xét xử vụ án. Khi phán quyết của tòa án được đưa ra có một số trường hợp đã không chấp nhận kết quả vừa được tuyên; vì bồng bột, nông nổi nhất thời mà người tham gia tố tụng đã vô tình có những hành vi vi phạm pháp luật.

Tại Bản án Bản án 30/2020/HSST ngày 13/05/2020 về tội gây rối trật tự phiên tòa có nội dung như sau:

“Ngày 24/9/2019 Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long đưa ra xét xử vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa các đương sự: Nguyên đơn là Nguyễn Đức H và bị đơn là Trần Thị N. Nhưng trong quá trình hội đồng xét xử vào nghị án thì Bà N bắt đầu thực hiện hành vi gây rối, làm mất trật tự tại phiên tòa, cụ thể Bà N liên tục la hét, dùng lời thô thiển chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông H đồng thời Bà N nhiều lần xông đến vị trí ông H để đánh thì được lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa can ngăn, không đánh được thì N tiếp tục la hét, chửi bới gây mất trật tự trong phòng xử án. Đến khi Hội đồng trở lại phòng xét xử và tuyên bố tiếp tục xét xử vụ án, không chấp nhận hoãn phiên tòa thì N tiếp tục la hét, chửi bới mức độ lớn tiếng hơn đồng thời tay cầm dép chỉ chỏ về phía Hội đồng xét xử về phía Hội đồng xét xử, Việc gây rối kéo dài khoảng 20 phút làm cho Hội đồng xét xử không thể tiến hành xét xử, đến khi bị cáo tự rời khỏi phòng xử án thì Hội đồng xét xử mới tiếp tục xét xử được”

Nhận định của hội đồng xét xử: “Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, phạm tội với lỗi cố ý, đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan xét xử; hành vi của bị cáo còn gây mất an ninh trật tự tại Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long; gây hoang mang, bức xúc của những người tham dự phiên tòa, bị xã hội lên án và pháp luật nghiêm cấm.”

Vì các lẽ trên Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo N phạm tội “Gây rối trật tự phiên tòa”; áp dụng khoản 1 Điều 391; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Trần Thị N 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Tội “Gây rối trật tự phiên tòa” được Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 391. Tội gây rối trật tự phiên tòa

1. Người nào tại phiên tòa mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, những người khác có mặt tại phiên tòa hoặc có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Gây náo loạn phiên tòa dẫn đến phải dừng phiên tòa;

…..

Như vậy, theo quy định tại Điều 391 của Bộ luật Hình sự nghiêm cấm xúc phạm danh dự, nhân phẩm không chỉ đối với hội đồng xét xử mà cả với những người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa.

Trong vụ án trên bị cáo bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 391 là khung hình phạt nhẹ nhất cho tội “gây rối trật tự phiên tòa” mặc dù trong tình tiết vụ án lại có đề cập đến về việc bị cáo gây rối làm trì hoãn 20 phút không thể xét xử nhưng khi truy tố thì cả Viện kiểm sát và Tòa án đều không xét đây là trường hợp “náo loạn phiên tòa dẫn đến phải dừng phiên tòa” theo quy định tại khoản 2.

Qua bản án có thể thấy rằng chỉ với một chút nóng nảy nhất thời mà bị cáo đã rơi vào vòng pháp lý và thiếu chút nữa đã phải đối mặt với hình phạt tù cho hành vi của mình, đây cũng là sự răn đe cho những ai có ý định xâm phạm “hoạt động đúng đắn của cơ quan xét xử’’ và là bài học lớn đối với việc tôn trọng phán quyết, xét xử của tòa án.

Đình Thiên
3999

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn