Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 94, khoản 8 Điều 95 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản được xem là nguồn chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. Và việc Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể:
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
- Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
- Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá, định giá tài sản thực hiện theo khoản 4 Điều 104 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:
- Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại Điều 52 của Bộ luật này không được tham gia Hội đồng định giá.
Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá;
- Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia Hội đồng định giá thì Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu của Tòa án. Người được cử tham gia Hội đồng định giá không tham gia mà không có lý do chính đáng thì Tòa án yêu cầu lãnh đạo cơ quan đã cử người tham gia Hội đồng định giá xem xét trách nhiệm, cử người khác thay thế và thông báo cho Tòa án biết để tiếp tục tiến hành định giá;
- Việc định giá phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản.
Căn cứ khoản 2 Điều 33 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng quy định:
Điều 33. Cơ quan có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản
...
2. Đối với vụ án dân sự, vụ án hành chính, Tòa án ra quyết định định giá tài sản không phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá cho Hội đồng định giá, tổ chức định giá tài sản. Các bên đương sự có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá theo quy định tại mục 2 Chương này.
Như vậy, trách nhiệm nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản trong vụ án dân sự được xác định như sau:
- Tòa án ra quyết định định giá tài sản không phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá cho Hội đồng định giá, tổ chức định giá tài sản;
- Các bên đương sự có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá theo quy định tại mục 2 Chương này, cụ thể nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản thực hiện theo Điều 39 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng:
+ Người yêu cầu định giá tài sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác.
+ Trường hợp các bên đương sự không thống nhất được về giá mà yêu cầu Tòa án định giá hoặc Tòa án quyết định định giá theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa số tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản. Trường hợp trong vụ việc có nhiều đương sự thì các bên đương sự cùng phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo mức do Tòa án quyết định.
Quy định nộp thêm tiền tạm ứng khi đương sự yêu cầu định giá lại
Căn cứ quy định tại Điều 43 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng quy định:
Điều 43. Chi phí định giá bổ sung, định giá lại
Trình tự, thủ tục nộp, thanh toán tiền tạm ứng, chi phí đối với định giá bổ sung, định giá lại tài sản do đương sự yêu cầu được thực hiện theo quy định tại mục này.
Như vậy, có thể hiểu rằng việc yêu cầu định giá lại thì thực hiện nộp tiền tạm ứng tương tự như yêu cầu định giá lần đầu, hiểu đơn giản là yêu cầu định giá lần nào thì phải nộp tiền tạm ứng cho lần đó.