30/04/2024 16:09

Dừng xe máy ở bóng râm để tránh nắng thì có bị phạt không?

Dừng xe máy ở bóng râm để tránh nắng thì có bị phạt không?

TP.HCM đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm nên khi di chuyển trên đường vào buổi trưa rất nắng nóng. Khi dừng xe chờ đèn đỏ, tôi hay tìm bóng râm gần đó để tránh nắng thì như vậy có bị phạt không? “Bình An-TP.HCM”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định về vạch dừng xe khi lưu thông đường bộ

Căn cứ QCVN 41:2019/BGTVT có quy định về vạch dừng xe. Theo đó, Vạch 7.1-Vạch dừng xe dùng để xác định vị trí dừng xe để chờ tín hiệu cho phép đi tiếp. Vạch dùng để xác định vị trí người điều khiển phương tiện phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc khi có biển số R.122.

Vạch cũng dùng để xác định vị trí người điều khiển phải dừng lại trong các điều kiện nhất định ở một số vị trí như: trên nhánh dẫn tới nút giao cùng mức với đường sắt, trên làn chờ rẽ trái trong phạm vi nút giao, trước vị trí vạch người đi bộ qua đường.

Minh họa:

Bố trí vạch dừng xe ở nút giao thông có đèn tín hiệu

                                                                                             Đơn vị: cm

Vị trí vạch dừng xe ở nút giao có vạch người đi bộ qua đường

Như vậy, khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì người điều khiển phương tiện giao thông phải dừng lại trước vạch dừng xe như hình trên.

2. Dừng xe máy ở bóng râm để tránh nắng thì có bị phạt không?

Để biết người điều khiển phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy dừng xe ở bóng râm để tránh nắng khi chờ đèn đỏ thì có bị phạt không thì cần xem vị trí dừng xe. 

Nếu người điều khiển phương tiện dừng xe ở bóng râm đồng thời cũng là nơi có vạch dừng xe thì hành vi này đúng quy định pháp luật. 

Nếu người điều khiển phương tiện dừng xe ở bóng râm nhưng đây là nơi cách xa vạch dừng xe thì có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
...
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;

b) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính;

c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;

d) Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông;

đ) Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật;

e) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;
...

Như vậy, khi dừng xe ở bóng râm để tránh nắng nhưng cách xa vạch dừng xe, gây cản trở giao thông người lái xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có thể bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

3. Quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

Theo quy định tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

- Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

- Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

- Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

+ Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

+ Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

+ Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

+ Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

+ Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

+ Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

+ Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

- Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

+ Bên trái đường một chiều;

+ Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

+ Trên cầu, gầm cầu vượt;

+ Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

+ Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

+ Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

+ Nơi dừng của xe buýt;

+ Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

+ Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

+ Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

+ Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
199

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn