13/03/2023 09:31

Dùng tiền trang trí tranh có vi phạm pháp luật?

Dùng tiền trang trí tranh có vi phạm pháp luật?

Gần đây tôi có thấy trên mạng xã hội có nhiều người sử dụng tiền để trang trí tranh, vẽ bột màu lên tiền, vậy những việc làm của họ có phải đang hủy hoại tiền và vi phạm pháp luật không? Chị Hà – TP.HCM.

Chào chị, Ban Biên tập xin giải đáp như sau:

Tiền tệ là một dạng phương tiện thanh toán dùng để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ, tuy nhiên một số người dùng tiền để gấp hoa, trang trí tranh, cây thần tài. Qua bài viết này để làm rõ vấn đề trên có vi phạm pháp luật.

1. Tiền có được phép dùng để trang trí?

Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003, Điều 23 Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 về các hành vi bị cấm liên quan đến đồng tiền Việt Nam, cụ thể:

- Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.

- Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.

- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

- Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc một số người dùng tiền để gấp hoa, trang trí tranh, cây thần tài nhưng không cắt, xé, đốt, làm biến dạng ảnh hưởng đến giá trị có thể sử dụng được sau khi trang trí thì hành vi đó chưa có dấu hiệu phạm hủy hoại tiền và không vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tiền Việt Nam.

2. Mức xử phạt đối với hành vi hủy hoại tiền

Theo Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cụ thể:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

Người vi phạm đối với hành vi hủy hoại tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là:

Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

3. Chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hủy hoại tiền

Người vi phạm đối với hành vi hủy hoại tiền bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, cụ thể:

- Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

+ Tài sản là di vật, cổ vật.

Do đó, đối với những hành vi cắt, xé, đốt, phá hoại tiền của người khác là hành vi phạm tội lần đầu, với tính chất và mức độ nhẹ thì có thể bị phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Tuy nhiên nếu đó là hành vi tái phạm, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, tiền là di vật, cổ vật của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình phạt lúc này sẽ phại chịu đối với hành vi trên là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
1390

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]