30/06/2023 17:06

Dùng súng đe dọa để bắt giữ người khác bị xử lý như thế nào?

Dùng súng đe dọa để bắt giữ người khác bị xử lý như thế nào?

Xin hỏi hành vi dùng súng đe dọa để bắt giữ người khác bị xử lý như thế nào? Hành vi trên có được coi là hành vi đe dọa giết người không? - Linh Đan (Đắk Lắk)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Sử dụng súng trái pháp luật bị xử lý như thế nào? 

* Xử lý hành chính hành vi sử dụng súng trái pháp luật: 

Tại điểm e khoản 2, điểm h khoản 3, điểm d khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử lý hành vi sử dụng trái pháp luật như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật. 

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

*Xử lý hình sự hành vi sử dụng súng trái pháp luật: 

Theo Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cụ thể về tội sử dụng súng trái pháp luật như sau:

- Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi sau:

Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi hạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Vật phạm pháp có số lượng lớn;

+ Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi hạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

+ Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

+ Làm chết 02 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

2. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015

Nếu cá nhân dùng súng đe dọa với mục đích bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà đủ yếu tố cấu thành tội Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị xử lý như sau:

- Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: 

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 

+ Đối với người đang thi hành công vụ; 

+ Phạm tội 02 lần trở lên; 

+ Đối với 02 người trở lên; 

+ Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; 

+ Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn; 

+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: 

+ Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; 

+ Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam; 

+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Tội đe dọa giết người theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015

Nếu đủ yếu tố cấu thành tội đe dọa giết người quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào có hành vi đe dọa giết người sẽ bị xử lý như sau:

- Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Đối với người dưới 16 tuổi;

+ Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Vì vậy, hành vi dùng súng đe dọa để bắt giữ người khác có thể được coi là hành vi đe dọa giết người khi căn cứ việc dùng súng đe dọa làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. 

Ngoài ra, người nào dùng súng đe dọa để bắt giữ người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những tội danh: 

- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.

- Tội đe dọa giết người.

- Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Nguyễn Ngọc Quế Anh
1292

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn