11/07/2024 11:58

Dùng chân đẩy xe máy khác đang hết xăng thì có bị phạt không?

Dùng chân đẩy xe máy khác đang hết xăng thì có bị phạt không?

Thấy xe máy khác chạy trên đường bị hết xăng dùng chân để đẩy giúp thì có bị phạt tiền không? Mức phạt đối với hành vi đẩy xe khác là bao nhiêu tiền? 

1. Có được dùng chân đẩy xe máy khác đang hết xăng?

Theo quy định tại Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 về những hành vi người điều khiển xe, Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện như sau:

(1) Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

- Đi xe dàn hàng ngang;

- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

- Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

- Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

- Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

(2) Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:

- Mang, vác vật cồng kềnh;

- Sử dụng ô;

- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

- Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Như vậy, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sử dụng phương tiện của mình để kéo, đẩy xe khác hoặc vật khác là hành vi không được thực hiện khi tham gia giao thông. Đồng thời, người ngồi trên xe cũng không được bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác. Hành vi này được xem là gây mất trật tự, an toàn giao thông và có thể dẫn đến tai nạn.

2. Dùng chân đẩy xe máy khác đang hết xăng thì có bị phạt không?

Theo đó, hành vi dùng chân đẩy xe máy khác bị hết xăng đang lưu thông trên đường là không được thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức); điều khiển xe rẽ trái tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ trái đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ phải tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ phải đối với loại phương tiện đang điều khiển;

- Chở theo từ 03 người trở lên trên xe;

- Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

- Dừng xe, đỗ xe trên cầu;

- Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;

- Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 8  Nghị định 100/2019/NĐ-CP;

- Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;

- Vượt bên phải trong trường hợp không được phép;

- Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

- Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;

Đồng thời, trường hợp dùng chân đẩy xe máy khác bị hết xăng và gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Như vậy, người điều khiển xe máy kéo, đẩy xe khác, vật khác sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Nguyễn Ngọc Trầm
128

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn