02/01/2024 08:25

Dùng bản sao giấy đăng ký xe khi đã cầm giấy tờ xe có bị phạt không?

Dùng bản sao giấy đăng ký xe khi đã cầm giấy tờ xe có bị phạt không?

Cho tôi hỏi rằng dùng bản sao giấy đăng ký xe trong trường đã cầm giấy tờ xe để sử dụng thay thế cho bản gốc thì có vi phạm không? Anh Minh Nhật (Bắc Kạn).

Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

1. Cầm giấy xe là gì?

Cấm cố là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định "Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ."

Đồng thời, Điều 163 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo đó giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (đăng ký xe, GCN QSD đất) không phải là tài sản (chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền tài sản, cũng không phải là giấy tờ có giá) nên chủ sở hữu tài sản không thể đem cầm cố giấy tờ sở hữu (chỉ có thể cầm cố xe và giấy tờ xe).

2. Dùng bản sao giấy đăng ký xe khi đã cầm giấy tờ xe có bị phạt không?

Khi tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện cần phải mang theo những giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008 như sau:

+ Giấy đăng ký xe;

+ Giấy phép lái xe (Bằng lái xe) khi điều khiển phương tiện xe cơ giới theo quy định;

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Bảo hiểm xe).

Trong trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng bản sao giấy đăng ký lái xe thay cho bản gốc, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi không mang giấy đăng ký xe.

Đối với lỗi không mang giấy đăng ký xe thì có mức xử phạt theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019 như sau:

- Đối với xe máy: Từ 100.000 - 200.000 đồng (điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019);

- Đối với ô tô: Từ 200.000 - 400.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019);

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cho phép việc sử dụng bản sao Giấy đăng ký xe đối với xe máy và xe ô tô thay thế cho bản gốc khi tham gia giao thông đường bộ, được quy định tại Công văn 8601/VPCP-CN về việc sử dụng Giấy đăng ký xe.

Cụ thể, trong trường hợp thế chấp xe tại các tổ chức tín dụng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được phép sử dụng bản sao có chứng thực của Giấy đăng ký xe và có kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực để thay cho bản chính trong  thời gian tổ chức tín dụng giữ bn chính Giấy đăng ký xe nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.

Theo đó, khi kiểm tra giấy tờ xe, cảnh sát giao thông sẽ không thực hiện việc xử phạt nếu như có kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực khi sử dụng bản sao giấy đăng ký xe.

Đối với trường hợp dùng bản sao giấy đăng ký xe khi đã cầm giấy tờ xe, người điều khiển phương tiện vẫn bị xem là trường hợp không mang giấy đăng ký xe do việc cầm giấy tờ xe không phải là biện pháp thế chấp tại các tổ chức tín dụng, và vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo như mức phạt với lỗi không mang giấy đăng ký xe.

3. Có được bán xe khi đang cầm giấy tờ xe hay không?

Căn cứ tại Điều 312 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền của bên cầm cố bao gồm:

- Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 314 Bộ luật dân sự 2015 nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

- Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.

- Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.

- Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Theo đó, khi đang cầm giấy tờ xe thì bên cầm cố được phép bán xe trong trường hợp bên nhận cầm cố đồng ý hoăc có quy định khác cho phép được bán tài sản cầm cố trong những trường hợp cụ thể.

Nếu như bên nhận cầm cố đồng ý hoặc luật khác liên quan có quy định về việc bên cầm cố được bán, được thay thế, được trao đổi hoặc được tặng cho tài sản cầm cố thì biện pháp cầm cố chấm dứt kể từ thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản cầm cố theo quy định tại Điều 161 Bộ luật dân sự 2015.

Đỗ Minh Hiếu
4453

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn