03/07/2023 10:45

Dữ liệu cá nhân của người đã chết được xử lý thế nào?

Dữ liệu cá nhân của người đã chết được xử lý thế nào?

Quy định hiện nay về xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến dữ liệu cá nhân của người đã chết được thực hiện như thế nào? Kim Thanh – Bình Định

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Từ ngày 1/7/2023, Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

1. Nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 13/2023/NĐ-CP về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể:

- Dữ liệu cá nhân được xử lý theo quy định của pháp luật.

- Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân.

- Dữ liệu cá nhân thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý.

Dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Dữ liệu cá nhân được cập nhật, bổ sung phù hợp với mục đích xử lý.

- Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng, chống sự mất mát, phá hủy hoặc thiệt hại do sự cố, sử dụng các biện pháp kỹ thuật.

- Dữ liệu cá nhân chỉ được lưu trữ trong khoảng thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Bên kiểm soát dữ liệu, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải chịu trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc xử lý dữ liệu được quy định từ khoản 1 tới khoản 7 Điều 3 Nghị định 13/2023/NĐ-CP và chứng minh sự tuân thủ của mình với các nguyên tắc xử lý dữ liệu đó.

Như vậy, dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo mật trong quá trình xử lý, bao gồm cả việc bảo vệ trước các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, sẽ có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

2. Dữ liệu cá nhân của người đã chết được xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 13/2023/NĐ-CP về xử lý dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, đã chết như sau:

- Việc xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thanh niên của người đó.

Trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường các trường hợp:

+ Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.

+ Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.

+ Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được ghi âm, ghi hình và xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật mà không cần có sự đồng ý của chủ thể.

Khi thực hiện việc ghi âm, ghi hình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo để chủ thể hiểu được mình đang bị ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp không có tất cả những người được nêu tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 13/2023/NĐ-CP thì được coi là không có sự đồng ý.

Như vậy, đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến dữ liệu cá nhân của người đã chết phải được sự đồng ý người thân theo quy định trên. Trường hợp không có tất cả những người này thì được coi là không có sự đồng ý, trừ một số trường hợp khẩn thì cơ quan Nhà nước xử lí mà không phải được sự đồng ý.

3. Một số hành vi bị nghiêm cấm về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 13/2023/NĐ-CP các hành vi bị nghiêm cấm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể:

- Xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

- Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền.

- Lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.

Nguyễn Ngọc Trầm
5091

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]