Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:
- Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;
- Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;
- Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư 2020 thì lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm 05 lĩnh vực sau:
(1) Giao thông vận tải;
(2) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực 2004;
(3) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;
(4) Y tế; giáo dục - đào tạo;
(5) Hạ tầng công nghệ thông tin.
Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư 2020 quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP như sau:
- Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư 2020;
- Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư 2020;
- Quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu tại điểm a và điểm b Khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư 2020 không áp dụng đối với dự án theo loại hợp đồng O&M. (Hợp đồng O&M là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 45 Luật Đầu tư 2020)
Lưu ý: Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư 2020 thì dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư 2020;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, dự án PPP là hình thức hợp tác công - tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng thông qua việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân. Đồng thời, dự án PPP quy định cụ thể về quy mô tối thiểu, lĩnh vực đầu tư và phân loại dự án theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Điều 11 Luật Đầu tư 2020 và được hướng dẫn bởi Điều 23 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định quy trình triển khai dự án PPP như sau:
Triển khai dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Theo đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư 2020 quy trình dự án PPP theo phương thức đối tác công tư được quy định như sau:
Bước 1. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
Bước 2. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
Bước 3. Lựa chọn nhà đầu tư;
Bước 4. Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP;
Bước 5. Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
- Đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, quy trình dự án PPP được quy định như sau:
Bước1. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
Bước 2. Lựa chọn nhà đầu tư;
Bước 3. Nhà đầu tư được lựa chọn lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
Bước 4. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
Bước 5. Thực hiện các bước quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đầu tư 2020.
- Trường hợp dự án PPP có công trình phải thực hiện thi tuyển phương án kiến trúc theo quy định của pháp luật về kiến trúc thực hiện như sau:
Bước 1. Báo cáo nghiên cứu về tính khả thi của dự án
+ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải thuyết minh nội dung về căn cứ pháp lý, sự cần thiết, hình thức thi tuyển và nội dung liên quan khác của việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư dự án;
Bước 2. Xác định chi phí thi tuyển phương án kiến trúc
+ Chi phí thi tuyển phương án kiến trúc được xác định theo quy định hiện hành đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.
+ Trường hợp dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất, nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chi phí thi tuyển phương án kiến trúc.
Bước 3. Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc
+ Sau khi quyết định chủ trương đầu tư dự án, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc theo quy định của pháp luật về kiến trúc.
- Đối với dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được xem xét chuyển đổi thành dự án PPP thì thực hiện theo quy trình triển khai dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc triển khai dự án PPP ứng dụng công nghệ cao
Như vậy, quy trình triển khai dự án PPP có các bước chính tương tự nhau nhưng có điểm khác biệt tùy theo từng loại hình dự án cụ thể.
Trân trọng!