18/04/2022 08:41

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rất cấp thiết nên chỉ lùi một kỳ họp

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rất cấp thiết nên chỉ lùi một kỳ họp

Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật.

Ngày 16/4, tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Năm 2022 có 27 dự án luật

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023.

Tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến trình Quốc hội thông qua 09 dự án, là các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Trình Quốc hội cho ý kiến 04 dự án: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Phát triển công nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 04 dự án đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Đồng thời trình cho ý kiến 02 dự án: Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 15 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết (trong đó: tại kỳ họp thứ 3 đề nghị đổi tên 01 dự án, bổ sung 04 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết, lùi thời gian trình 01 dự án; tại kỳ họp thứ 4 đề nghị bổ sung 09 dự án).

Tại Kỳ họp thứ 3, đề nghị bổ sung vào Chương trình 03 dự án, dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 01 kỳ họp, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến 03 dự án, gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đặc biệt, Chính phủ đã đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật.

Tại Kỳ họp thứ 4, đề nghị bổ sung dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp.

Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến đối với 08 dự án, gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Như vậy, với việc điều chỉnh như trên, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2022 sẽ là 27 dự án, tăng 14 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Chỉ lùi 1 kỳ họp

Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả đạt được kết quả tích cực. Trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng luật tiếp tục được tăng cường; công tác phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời hơn.

Tuy nhiên, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế, bất cập tồn tại qua nhiều năm chưa được khắc phục triệt để, như một số hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản chưa đầy đủ các tài liệu, chưa bảo đảm chất lượng, chưa bảo đảm thời gian gửi theo đúng quy định; Chương trình phải điều chỉnh nhiều lần; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình, nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.

Về đề nghị các dự án cụ thể trong Chương trình, qua nghiên cứu danh mục các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các dự án được đề xuất gắn với 18 nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Đề án Định hướng và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu rà soát, xây dựng mới và được đề nghị đưa vào Chương trình đúng tiến độ (15/18 dự án) hoặc sớm hơn tiến độ (03/18 dự án) được đề ra trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.

Trong đó, về đề nghị lùi thời điểm trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo ông Tùng, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể. Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.

Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào Chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.

Kiên quyết không trình những dự án chưa đủ điều kiện

Cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ, chuyển giao hai nhiệm kỳ và năm đầu tiên các cơ quan đã có rất nhiều nỗ lực, chất lượng công tác xây dựng pháp luật cũng được nâng lên, số lượng cũng nhiều, cả luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tiễn đã cho thấy đã có những luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng phát huy hiệu quả trên thực tế. Chất lượng cho đến nay những sản phẩm đã có rồi thấy cũng tốt.

Nhấn mạnh, kinh nghiệm dự án nào làm kỹ, tuân thủ quy trình, quy phạm thì sẽ chất lượng tốt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục phát huy, duy trì; đồng thời phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với vai trò cơ quan “gác cửa” cho Quốc hội, kiên quyết, dứt khoát không trình những dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục, hồ sơ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định về pháp luật, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, nghiêm túc rồi phải nghiêm túc hơn nữa. Về các dự án cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với việc chưa bổ sung vào chương trình năm 2022 dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng chỉ  lùi lại một kỳ họp. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị gấp rút nghiên cứu thêm về việc sửa đổi, bổ sung  Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Đấu giá.

THANH LOAN

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

1210

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]