29/01/2019 14:26

Đốt pháo đón giao thừa và hệ quả pháp lý phải chịu

Đốt pháo đón giao thừa và hệ quả pháp lý phải chịu

Mặc dù mỗi dịp Tết đến, các cơ quan có thẩm quyền đều tổ chức bắn pháo hoa tại một số địa điểm nhất định để phục vụ nhu cầu vui xuân đón Tết của người dân. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân tự ý mua bán và thực hiện đốt pháo tại nhà để vui Tết, mà không biết mình có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điển hình, tại bản án 29/2017/HSPT ngày 17/07/2017 do tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xét xử vụ án có nội dung như sau:

Ngày 08/01/2017, T cùng vợ là Nguyễn Thị Mai A lên Lạng Sơn để giỗ bố Mai A, sau đó T hỏi mua được 07 giàn pháo loại 36 ống; 02 giàn pháo loại 100 ống với giá 1.450.000 đồng, mục đích là để đốt vào trong dịp tết nguyên đán Đinh Dậu. Đến 00 giờ ngày 28/01/2017, T một mình lên tầng thượng dùng bật lửa ga đốt 09 giàn pháo, khi pháo nổ phóng lên trời phát ra tiếng nổ lớn thì bị Tổ công tác Công an huyện MC phát hiện bắt quả tang. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 87/2017/HSST ngày 04/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện MC, tỉnh Sơn La đã căn cứ vào Biên bản mở niêm phong xác định chủng loại vật chứng, cân trọng lượng, niêm phong vật chứng ngày 28/01/2017 của Đội Quản lý thị trường số 3 xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ và tuyên bố bị cáo Ngô Quang T phạm tội: Gây rối trật tự công cộng.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, pháo có hai loại: pháo nổ và pháo hoa (căn cứ Nghị định 36/2009/NĐ-CP).

Đối với việc bắn pháo hoa vào Tết Nguyên đán do các tổ chức, địa phương tổ chức thực hiện theo quy định (căn cứ Khoản 1, Điều 8 Nghị định 36/2009/NĐ-CP). Do đó, người dân không được phép tự ý thực hiện việc bắn pháo hoa.

Nếu sử dụng pháo khi không được phép sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Căn cứ Khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Đối với pháo nổ, người nào thực hiện hành vi đốt pháo nổ thuộc các trường hợp quy định tại mục II Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, việc xác định loại pháo do T đốt có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định loại trách nhiệm pháp lý mà T phải chịu:

- Nếu loại pháo mà T đốt là pháo hoa, thì T chỉ bị xử phạt hành chính như đã nêu trên, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do trong quá trình đốt pháo T không gây thương tích cho ai hay gây ra hậu quả nghiêm trọng nào;

- Nếu loại pháo mà T đốt là pháo nổ, với khối lượng 11.04 kg đã bị thu giữ thì căn cứ vào điểm d, tiểu mục 2, mục II, Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC thì T sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng.

Như vậy, để có thể vừa vui tết, vừa đảm bảo cho bản thân và người thân tránh khỏi những rắc rối liên quan đến pháp luật, mỗi người cần có hiểu biết pháp luật nhất định về việc sử dụng pháo.

Ngọc Nhi
2046

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]