Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:
Doping là việc sử dụng các chất cấm trong thể thao nhằm tăng cường hiệu suất vận động viên. Các chất cấm này bao gồm các hormone tăng trưởng, steroid, chất kích thích, và các chất có tác dụng làm giảm đau và mệt mỏi. Và việc sử dụng Doping là bị cấm, bất kể là trong thi đấu thể thao chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều cấm các chất này.
Các thành phần chính của Doping có thể bao gồm:
- Chất kích thích: Đây là các loại chất được sử dụng để tăng cường sự tỉnh táo và tập trung, cũng như giảm mệt mỏi.
- Hormone tăng trưởng: Có thể được sử dụng để tăng cường sức mạnh và sự phục hồi sau tập luyện.
- Steroid anabolic: Có khả năng tăng cường sức mạnh và tăng cơ bắp.
- Chất tăng đồng hoá, lợi tiểu: Nó có tác dụng giúp vận động viên tăng cường hiệu suất và đạt kết quả tốt hơn. Những chất đồng hóa như Clostebol, Nandrolone, Stanozolol hay Metandienone sẽ giúp người dùng tăng sức bền và sức mạnh. Đồng thời cũng như tăng cơ bắp và giảm mỡ trong cơ thể.
Ngoài ra, Doping được phân làm 03 loại, đó là:
- Doping máu: Dạng Doping này có chứa các hoạt chất quan trọng như ESP (Erythropoetin), NESP (Darbapoetin), để kích thích sản xuất hồng cầu, giúp cải thiện quá trình vận chuyển oxy qua hồng cầu, có thể giúp gia tăng mạnh và kéo dài lên đến 10 ngày.
- Doping cơ bắp: Là phương pháp tăng sản xuất hormone để tăng cường sức mạnh cơ bắp, sức mạnh nói chung và endurance. Thông thường, những vận động viên cử tạ, đấu vật, bóng đá, điền kinh, xe đạp và nhiều môn thể thao khác sẽ sử dụng dạng này
- Doping thần kinh: Là phương pháp ngăn chặn sự điều khiển và phản hồi các cơ bắp đến hệ thần kinh. Mục đích là để giảm thiểu cảm giác mệt mỏi, không cần nghỉ ngơi nhưng vận động viên vẫn có thể thi đấu trong thời gian dài hơn.
Việc sử dụng Doping trong thể thao là bị cấm, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới tính công bằng, phá vỡ giá trị của thể thao mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chính vận động viên đó, có thể kể đến như:
- Gây mệt mỏi, khó chịu.
- Nữ nổi mụn, mọc râu, mọc lông, rối loạn kinh nguyệt.
- Nam có nguy cơ bị teo tinh hoàn, tinh dịch giảm có thể dẫn đến liệt dương.
- Gây tiểu đường, suy tim, suy thận, ung thư gan.
- Gây tán huyết, sốt, nổi mẩn ngứa, suyễn nặng, nhiễm khuẩn gan, hoặc nhiễm HIV.
- Gây nghẽn mạch máu, đột quỵ….thậm chí tử vong.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 01/2024/TT-BVHTTDL quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao, có hiệu lực từ ngày 09/7/2024, quy định về các nguyên tắc phòng, chống doping trong hoạt động thể thao bao gồm:
- Hoạt động phòng, chống doping được tổ chức thường xuyên, bảo đảm vận động viên được tập luyện và thi đấu trong môi trường thể thao không doping.
- Bảo đảm tuân thủ các quy định của Tổ chức Phòng, chống doping thế giới, các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
- Có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động thể thao trong nước và nước ngoài trong phòng, chống doping.
- Bảo đảm vận động viên được giáo dục, truyền thông đầy đủ về kiến thức phòng, chống doping.
- Tôn trọng tính độc lập, không can thiệp vào quyết định và hoạt động chuyên môn của Tổ chức phòng, chống doping tại Việt Nam phù hợp với quy định của Bộ luật Phòng, chống doping thế giới
Ngoài ra, nếu vận động viên sử dụng Doping trong thi đấu thể thao thì mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao (khoản 1 Điều 6 Nghị định 46/2019/NĐ-CP), tuy nhiên đây chỉ là mức phạt đối với cá nhân, trong trường hợp vi phạm hành vi trên thì tổ chức phải chịu mức phạt gấp 02 lần cá nhân, tức là mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Trân trọng!