18/01/2019 15:03

Đồng phạm trong tội trộm cắp tài sản và trách nhiệm hình sự

Đồng phạm trong tội trộm cắp tài sản và trách nhiệm hình sự

Tội phạm ở thời đại nào, xã hội nào cũng có nhưng khi nhu cầu của con người ngày càng cao, kinh tế càng phát triển thì dường như nó càng lây lan mạnh hơn. Trong đó, phải kể đến tội trộm cắp tài sản- một loại tội phạm xảy ra nhiều và phổ biến nhất trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu.

Minh chứng cho loại tội phạm này bằng Bản án 44/2017/HSST về Nguyễn Thanh Q cùng đồng phạm tội trộm cắp tài sản do Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm như sau:

Ngày 20/5/2017, Nguyễn Thanh Q và Phan Thanh M uống cafe gần nhà Q thì Q nảy sinh ý định đi cưa trộm cây tràm về bán nên rủ M tham gia. Đến 10 giờ cùng ngày, M rủ thêm Trần Đức T đi cưa trộm tràm, T đồng ý.

Đến nơi, Q đứng ngoài cảnh giới, M, T vào cưa trộm 38 cây Tràm có đường kính từ 11-22 cm và cắt cây thành 3 đến 4 khúc, xếp thành nhiều đống rồi ra về và hẹn chiều lên bốc.

Khoảng 17 giờ cùng ngày, Q đến vị trí để gỗ tràm rồi cùng T, M chuẩn bị mang đi tiêu thụ thì phát hiện cán bộ của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đ cùng Công an phường nên Q điều khiển xe ô tô bỏ chạy, T và M bị bắt giữ cùng tang vật.

Giá trị của 38 cây Tràm là: 3.283.200 đồng.

Ngoài hành vi cưa trộm gỗ Tràm nêu trên thì ngày 23/7/2017, Trần Đức T còn thực hiện hành vi trộm cắp điện thoại di động tại huyện G, tỉnh Quảng Trị.

Đối chiếu với quy định hiện hành thì với hành vi trộm cắp tài sản trong vụ án này sẽ áp dụng khoản 1 điều 138 của Bộ luật hình sự 1999, thuộc Chương XIV.

“Điều 138. Tội trộm cắp tài sản

Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là thủ đoạn lén lút của người phạm tội, lợi dụng sơ hở của người bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ. Người phạm tội luôn có ý thức che giấu hành vi của mình khi thực hiện, cố gắng thực hiện hành vi bằng cách thức mà người bị hại không phát hiện ra.

Xét thấy trong vụ án trên có dấu hiệu của đồng phạm. Theo đó, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng một tội phạm với người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với quy định về đồng phạm theo quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự 1999 như sau:

"Điều 20. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2.  Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Có thể thấy rằng, vai trò của các bị cáo trong quá trình thực hiện hành phạm tội nêu trên thì các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội có tính chất đồng phạm nhưng giản đơn, trong đó: Nguyễn Thanh Q là người khởi xướng đồng thời là người cảnh giới để Phan Thanh M cùng Trần Đức T trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo không hề có sự bàn bạc thống nhất, phân công trước về vai trò, nhiệm vụ của từng người, chỉ là nhàn rỗi nên nảy sinh ý định trộm cắp.

Ngoài ra, các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội này đã cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn, cụ thể: Khi các bị cáo chuẩn bị dịch chuyển tài sản chiếm đoạt đi tiêu thụ thì bị phát hiện, bắt giữ.

Trong vụ án này, áp dụng Điều 18, Điều 20, Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật Hình sự 1999 đối với các bị cáo là đúng theo quy định của pháp luật hình sự.

Dù chỉ là đồng phạm giản đơn nhưng hành vi phạm tội nói trên là nguy hiểm cho xã hội; xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ; gây mất trật tự, trị an trên địa bàn nên cần áp dụng hình phạt nghiêm mới có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng - ngừa và đẩy lùi tội phạm.

Kim Huệ
9642

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn