17/09/2020 16:08

Dòng họ có quyền khởi kiện tranh chấp tài sản chung?

Dòng họ có quyền khởi kiện tranh chấp tài sản chung?

Tài sản chung của dòng họ là tài sản thuộc sở hữu chung của dòng họ, ví dụ như quyền sử dụng đất, từ đường, nhà thờ họ, đồ vật dùng vào việc thờ cúng, tài sản khác được hình thành theo tập quán hoặc do các thành viên của dòng họ đóng góp, quyên góp,…Tài sản chung của dòng họ là sở hữu chung hợp nhất không phân chia.

Dòng họ là một tổ chức không có tư cách pháp nhân. Vậy trong tố tụng dân sự, dòng họ có thể trở thành đương sự hay không?

Tại Bản án 24/2017/DSPT ngày 17/05/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh về tranh chấp nhà thờ họ và quyền sử dụng đất giữa dòng họ N và ông Ngô Văn N:

Dòng họ N và gia đình ông Ngô Văn N có tranh chấp về đất và nhà thờ tại xóm X, thôn T, xã T, thị xã S, tỉnh Bắc Ninh. Nguồn gốc đất ban đầu là của cụ tổ Ngô Văn Khang theo gia phả (cụ Tổ dòng họ) để lại được lưu truyền từ đời này qua đời khác làm nơi thờ cúng tổ tiên. Năm 1942 các cụ trong dòng họ đã tu sửa dồn ngôi nhà 5 gian tường đất thành nhà ngói 3 gian tường gạch, nhà sửa xong vẫn bỏ trống không có người ở.

Năm 1965 gia đình ông Ngô Văn N (con thứ 3 cụ P) chuyển từ thị xã Bắc Ninh về quê sinh sống, do không có chỗ ở nên về ở nhờ nhà thờ dòng tộc cùng gia đình ông C. Khi đó mỗi gia đình ở 01 gian kế bên, còn gian chính vẫn dùng để thờ tổ. Đến năm 1967 gia đình ông Ngô Viết C chuyển đi nơi khác sinh sống còn gia đình ông N vẫn tiếp tục sử dụng nhà thờ để sinh sống và ở từ đó đến khi có tranh chấp.

Năm 2013, họ N đã nâng cấp, sửa sang mở rộng nhà thờ và yêu cầu gia đình ông N chuyển về ở với con cháu không tiếp tục sống tại nhờ thờ nữa. Ông N không chấp nhận vì cho rằng đất và nhà thờ là của riêng chi 1 thờ cúng các cụ không phải nhà thờ của dòng họ nên các bên đã xảy ra tranh chấp.

Trong vụ án này, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã xác định Nguyên đơn là dòng họ N với những người được ủy quyền tham gia tố tụng gồm ông Ngô Viết C, Ngô Đức N, Ngô Minh H. Có thể thấy rằng, qua vụ án Dòng họ là một chủ thể, có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định hiện hành, Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ quy định về quyền khởi kiện của dòng họ như sau:

Điều 3. Quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ

1. Thành viên dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

2. Dòng họ không phải là nguyên đơn. Tập thể (ví dụ: chi họ, nhánh họ, hội đồng gia tộc...) không có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ.”

Như vậy, trong tố tụng dân sự, dòng họ không thể trở thành đương sự. Cũng vì không có đương sự là Dòng họ nên không có việc Trưởng họ là đại diện theo pháp luật của Dòng họ.

Đương sự trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được xác định như sau:

- Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

- Bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người bị kiện. Bị đơn có thể là thành viên dòng họ hoặc người không phải là thành viên dòng họ nhưng có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản chung của dòng họ.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm thành viên khác của dòng họ và người không phải là thành viên dòng họ. Thành viên khác của dòng họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu được đương sự đề nghị và Tòa án chấp nhận trước khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Do vậy, khi thấy tài sản chung bị xâm phạm hay quyền lợi thành viên của mình bị xâm phạm thì bất cứ thành viên nào của dòng họ cũng có quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự chứ không cần có sự ủy quyền của các thành viên khác.

Thu Linh
3687

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn