21/03/2023 16:29

Đóng bảo hiểm xã hội không liên tục có được hưởng lương hưu?

Đóng bảo hiểm xã hội không liên tục có được hưởng lương hưu?

Cho tôi hỏi để được hưởng lương hưu có cần đóng bảo hiểm xã hội liên tục không? Mức lương hưu từ bảo hiểm xã hội là bao nhiêu? "Chị Minh-Quảng Bình"

Chào chị, Ban Biên tập xin giải đáp nhưu sau:

1. Quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội có vai trò rất quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Theo quy định tại khoản 1 Điều 03 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, định nghĩa về bảo hiểm xã hội như sau:

“1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”

Theo đó, bảo hiểm xã hội được hiểu là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập vì các lý do khách quan.

Hiện nay, bảo hiểm xã hội được chia thành hai loại: bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo quy định tại Điều 04 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội có các chế độ sau:

Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:

a) Ốm đau;

b) Thai sản;

c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Hưu trí;

đ) Tử tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

a) Hưu trí;

b) Tử tuất.”

Có thể thấy, chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện bị giới hạn hơn so với bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngoài hưu trí và tử tuất, bảo hiểm xã hội bắt buộc còn có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động từ bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định về mức lương hưu hằng tháng của người lao động như sau:

“Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.”

Theo đó, khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được quy định tại Điều 219 Bộ luật lao động 2019, thì mức lương hưu hằng tháng được xác định bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, luật cũng quy định số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- Đối với lao động nam: Nghỉ hưu trong năm 2021, số năm tham gia bảo hiểm xã hội là 19 năm. Từ năm 2022 trở đi, người lao động đóng đủ 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

- Đối với lao động nữ: Từ năm 2018, người lao động tham gia đủ 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

3. Đóng bảo hiểm xã hội không liên tục có được hưởng lương hưu?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:

“5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”

Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ lúc người lao động bắt đầu đóng đến khi dừng đóng. Trong trường hợp, người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội liên tục, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được xác định bằng tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, pháp luật không bắt buộc người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội liên tục trong suốt quá trình tham gia mà sẽ cộng dồn thời gian mà các giai đoạn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Trân trọng!

Lê Thị Phương Ngân
549

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn